MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh ngạc hành tinh Astrolábos có các đám mây bằng đá

06-05-2024 - 15:14 PM | Tài chính quốc tế

Với sức mạnh quan sát của siêu kính viễn vọng James Webb, thế giới y như phim giả tưởng ở "hành tinh địa ngục" Astrolábos được vén màn.

Astrolábos, còn gọi là WASP-43b, được phát hiện vào năm 2011, là "Sao Mộc nóng" có quỹ đạo gần nhất được phát hiện vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, những gì thực sự xảy ra trên thế giới bí ẩn đó vẫn là một câu đố, cho đến khi "mắt thần" của James Webb bắt đầu soi vào không gian sâu từ giữa năm 2022, nhìn sâu vào bầu khí quyển các ngoại hành tinh.

Kinh ngạc hành tinh Astrolábos có các đám mây bằng đá- Ảnh 1.

Ngoại hành tinh Astrolábos quay cực gần sao mẹ của nó - Ảnh đồ họa: PHYS

Sao Mộc nóng là loại hành tinh có kích thước, khối lượng bằng hoặc hơn Sao Mộc, nhưng lại quay quá gần ngôi sao mẹ.

Trong đó, Astrolábos là một phiên bản đối lập hoàn hảo của Sao Mộc, với kích cỡ y hệt nhưng lại nóng như địa ngục bởi chu kỳ quanh sao mẹ chỉ 19,2 ngày.

Nhà thiên văn học Laura Kreidberg thuộc Viện Thiên văn học Max Planck (MPIA - Đức) và các cộng sự đã phân tích chi tiết dữ liệu James Webb về hành tinh này, xác nhận đó là một kiểu hành tinh bị khóa thủy triều với sao mẹ.

Khóa thủy triều là hiện tượng hai thiên thể ở quá gần nhau nên tương tác hấp dẫn khiến thiên thể nhỏ hơn luôn hướng một mặt duy nhất về phía thiên thể lớn.

Ví dụ gần gũi nhất là Mặt Trăng luôn chỉ cho người Trái Đất thấy một mặt duy nhất.

Còn đối với một ngoại hành tinh, điều này khiến cho một nửa hành tinh luôn là ban ngày, một nửa luôn là ban đêm.

Chênh lệnh nhiệt độ giữa hai bán cầu ngày - đêm cực cao: Ở Astrolábos, nhiệt độ trung bình của mặt ban ngày là 1.250 độ C, mặt ban đêm là 600 độ C.

Nhưng 600 độ C vẫn là quá nóng. Mặt ban đêm vẫn có mây - không đến nỗi trần trụi như mặt ban ngày vốn quá nóng để mây hình thành - nhưng mây ở đó bằng... đá.

Tất nhiên đó không phải những tảng đá treo lơ lửng trên không trung, mà là đá bị nhiệt độ cực cao làm cho bốc hơi, tạo thành những đám mây đá bốc hơi không thể tồn tại trong điều kiện của bất kỳ đâu trên Trái Đất.

Sự chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm giữa hai mặt, gọi là "độ dốc nhiệt độ", cũng tạo ra những cơn gió mạnh tới 9.000 km/giờ, đánh bay nhiều yếu tố trong bầu khí quyển mong manh của mặt ban đêm, khiến nó thiếu đi methane.

Các nhà khoa học cũng phát hiện dấu hiệu của nước trong bầu khí quyển của hành tinh này. Nước vốn là một dấu hiệu sự sống tiềm năng. Nhưng đối với hành tinh quá nóng này, khó có cơ hội nào cho sự sống.




Theo Anh Thư

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên