MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh ngạc tỷ lệ tử vong vì ung thư tại Châu Á và những việc người Việt cần làm ngay

14-08-2019 - 14:37 PM | Sống

Tại Châu Á, trên bản đồ ung thư là những con số đáng kinh ngạc. Châu Á chiếm hơn 1 nửa số ca ung thư và ước tính đến năm 2050 Châu Á có thể chiếm 65% ca mắc bệnh ung thư.

Người vẽ bản đồ ung thư thế giới

Giáo sư Donald Maxwell Parkin – một chuyên gia nghiên cứu tại ĐH Oxford (Anh) được coi là ông tổ vẽ nên bản đồ ung thư thế giới. Giáo sư Donald cũng là người đầu tiên đến Việt Nam từ hơn 30 năm trước để vẽ nên bản đồ ung thư Việt Nam.

Với giáo sư Donald, ông đã làm việc ghi nhận ung thư trong 40 năm qua. Nói đến Việt Nam, giáo sư Donald có rất nhiều kỷ niệm. Từ năm 1988, ông sang Việt Nam lần đầu tiên và thực hiện ghi nhận ung thư ở Việt Nam. Lúc ấy, dữ liệu ung thư ở nước ta chưa có một cái gì về ung thư.

Ông đến bắt đầu làm từ con số không. Máy móc, máy tính ở Bệnh viện K Trung ương hồi ấy cũng còn rất đơn sơ. Ông phải mang cả máy tính sang tặng.

Với nỗ lực của giáo sư Donald cùng với các học trò, cộng sự của ông ở Việt Nam từ năm 1988 đến nay, ghi nhận ung thư ở nước ta đã được nhiều kết quả và phát triển. Hiện nay đã có các cơ sở ghi nhận ung thư từ miền Bắc vào miền Nam.

Lúc đầu sang Việt Nam, giáo sư Donald kể ông phải làm từ các dữ liệu thô, nhập liệu cơ bản bằng máy tính, trong khi đó, ở đất nước nơi ông làm việc thì mọi thứ đã có số hoá. Tuy nhiên, đánh giá ghi nhận ung thư vô cùng quan trọng nên ông vẫn miệt mài giúp Việt Nam ghi tên lên bản đồ ung thư thế giới.

Kinh ngạc tỷ lệ tử vong vì ung thư tại Châu Á và những việc người Việt cần làm ngay - Ảnh 1.

Giáo sư Donald Maxwell Parkin (giữa) được Bộ Y tế Việt Nam trao kỷ niệm chương.

Ông chia sẻ dữ liệu ung thư là điều quan trọng để các nước đưa ra chương trình, chiến lược phòng chống ung thư. Hiện nay, dữ liệu thống kê về ung thư trên thế giới đã được nhiều tổ chức ghi chép lại.

Hiện nay và trong tương lai, ung thư sẽ là gánh nặng của toàn cầu. Vai trò của việc ghi nhận ung thư để giúp các nhà hoạch định chính sách đặc biệt là y tế thấy được gánh nặng trong tương lai.

Châu Á đang trong báo động đỏ về tình trạng ung thư

Giáo sư Donald cho biết, qua 40 năm nghiên cứu ghi nhận, tỷ lệ mắc ung thư ngày càng tăng nhanh.

Trên bản đồ ung thư của thế giới, tỷ lệ tử vong do ung thư ở các nước phát triển sẽ thấp hơn, nhưng tại Châu Á con số tử vong rất đáng kinh ngạc.

Hiện nay, Châu Á chiếm hơn 1 nửa số ca ung thư và ước tính đến năm 2050 Châu Á có thể chiếm 65% ca mắc bệnh ung thư toàn thế giới. Năm 2018, toàn thế giới dự tính 18 triệu ca mới mắc ung thư tỷ lệ tử vong do ung thư khoảng 10 triệu người và ở Châu Á vẫn đứng đầu bảng.

Nước có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất đầu tiên đó là Nhật Bản, tỷ lệ tử vong ung thư trước 80 tuổi ở Nhật Bản rất cao.

Còn tại Việt Nam tỷ lệ ung thư, tim mạch, tai nạn cũng rất cao. Sự phân tầng sẽ thay đổi trong tương lai ở Việt Nam. Đánh giá ở Việt Nam, giáo sư Donald cho rằng 20 năm tới tỷ lệ tử vong do ung thư sẽ cao hơn các nước phát triển do tỷ lệ dân số già đi.

Vai trò ghi nhận ung thư như GLOBOCAN năm 2018, ước tính tỷ lệ mắc của ung thư quan trọng dựa trên số liệu thực tế chứ không phải đơn thuần là dự theo thuật toán và cần thu thập số liệu thực tế đưa ra ước tính của ung thư trong tương lai.

Kinh ngạc tỷ lệ tử vong vì ung thư tại Châu Á và những việc người Việt cần làm ngay - Ảnh 2.

Bản đồ tỷ lệ tử vong vì ung thư trên thế giới. Các nước màu đỏ có số ca tử vong cao nhất, màu xám là thấp nhất.

5 bệnh ung thư thường gặp: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư dạ dày và tỷ lệ 5 bệnh thường gặp chiếm 50 % tỷ lệ mắc của ung thư.

Ở nam giới thì ung thư phổi vẫn là cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất. Gần đây, tỷ lệ mắc của ung thư tiền liệt tuyến càng ngày càng cao. Ở Việt Nam theo Giáo sư Donald thì ung thư gan vẫn cao.

Ở phụ nữ trên toàn thế giới căn bệnh đe dọa chị em có tỷ lệ mắc cao nhất vẫn là ung thư vú.

Giáo sư Donald cũng cho rằng lời cảnh báo dành cho toàn khu vực cũng là lời cảnh báo đầy nguy hiểm dành cho Việt Nam, nếu châu Á đứng trước hiểm họa như vậy, thì công tác phòng chống ung thư ở Việt Nam cũng đầy thách thức.

Nguyên nhân là châu Á hiện đang có sự chuyển dịch vô cùng mạnh mẽ về kinh tế, mà đi kèm theo chắc chắn sẽ là sự thay đổi về môi trường, dẫn tới một số bệnh như ung thư, tim mạch.

Vị giáo sư này cũng chỉ ra thói quen hút thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh, lối sống công nghiệp ăn nhanh, lười vận động, ăn ít rau xanh chính là tác nhân gây nên bệnh ung thư hiện nay.

Ông đưa ra lời khuyên mỗi người tự giảm gánh nặng ung thư của mình bằng cách tốt nhất là phòng chống bệnh.

40% tác nhân có thể phòng tránh được như ăn uống lành mạnh, bỏ thuốc lá. Các yếu tố gây ung thư do vi rút có thể hạn chế phần nào nhờ vắc xin. Còn môi trường công nghiệp ô nhiễm khó tránh khỏi nhưng hãy đẩy mạnh việc sàng lọc sớm ung thư.

Giáo sư Donald nhấn mạnh ngay từ hôm nay giảm thiểu gánh nặng ung thư bằng cách phòng bệnh và sàng lọc bệnh sớm.

Theo Ngọc Anh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên