MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Kinh Nghiệm Đầu Tư] Có nên rút tiền tiết kiệm đầu tư bất động sản lúc này?

24-11-2020 - 09:10 AM | Bất động sản

Thực tế cho thấy, nhiều người đang có khoản tiền tiết kiệm kha khá nhưng lại đắn đo không biết nên rút tiền để đầu tư vào BĐS lúc này hay không vì tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường. Các chuyên gia dành lời khuyên thế nào đối với tâm lý này bằng những dự báo diễn biến thị trường BĐS trong thời gian tới.

Chia sẻ tại buổi trực tuyến về BĐS mới đây, ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, đối với nhà đầu tư, bất kể diễn biến trên thị trường ở giai đoạn có dịch bệnh hay không thì khi thị trường xuống đáy là lúc nên mua vào. Thêm nữa là tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Vì thế, hiện tại nên tập trung phân tích 2 yếu tố chính của đầu tư BĐS đó là tính duy nhất và tính tích lũy.

"Như vậy, người mua nên xem xét số tiền là bao nhiêu, căn nhà có đặc tính như thế nào, vị trí ở đâu, hướng ra sao, kinh doanh được gì, tạo ra bao nhiêu dòng tiền, tối đa dòng tiền như thế nào... Chắc chắn khi kiểm soát được dịch bệnh thì giá BĐS sẽ tăng", ông Nghĩa dành lời khuyên.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường BĐS trong trung và dài hạn có nhiều cơ hội phát triển bởi nhu cầu về tất cả các phân khúc đều rất lớn: nhà ở, BĐS nghỉ dưỡng, công nghiệp… Đặc biệt, với nỗ lực khống chế dịch Covid-19 thì trong năm tới dịch sẽ được khống chế trên quy mô thế giới, BĐS sẽ được phục hồi và bước vào giai đoạn phát triển mới như cách đây 10 năm.

"Đây là giai đoạn tốt để đầu tư nếu có tiền bởi giá chưa thực sự cao, giao dịch cũng chưa thực sự sôi động, có nhiều tiềm năng sẽ tốt hơn trong tương lai", ông Hà khẳng định.

Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia BĐS cho rằng, trước hết kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi tích cực, bắt đầu từ quý 3/2020. Khả năng phục hồi tiếp theo phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: Một là khả năng kiểm soát dịch bệnh của toàn cầu và Việt Nam, hai là tính hiệu lực, hiệu quả của các gói hỗ trợ, và ba là hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch, sản xuất và phân phối vaccine, và phục hồi kinh tế.

[Kinh Nghiệm Đầu Tư] Có nên rút tiền tiết kiệm đầu tư bất động sản lúc này? - Ảnh 1.

Các tổ chức quốc tế cũng như nghiên cứu của chúng tôi dự báo năm nay kinh tế toàn cầu suy thoái (tăng trưởng âm 4 - 5%), nhưng năm 2021 được dự báo phục hồi, có thể đạt mức tăng trưởng 4 - 5% (tất nhiên phụ thuộc nhiều vào 3 yếu tố tôi vừa nêu).

Còn Việt Nam, năm nay dự báo tăng trưởng khoảng 2,5 - 3% và năm 2021 cũng sẽ phục hồi khá, có thể tăng trưởng 6,5 - 7%. Với kịch bản này, thị trường BĐS cũng sẽ phục hồi mạnh.

Còn ngược lại (kịch bản xấu), thì chúng tôi dự báo GDP Việt Nam năm 2021 có thể chỉ tăng trưởng khoảng 4 - 5%. Khi đó, thị trường BĐS có phục hồi, nhưng chậm chạp và còn trầm lắng.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Tài chính, Việt Nam đã khống chế tốt dịch bệnh ở cả hai lần bùng phát. Trong cuối năm 2020 và năm 2021 với tinh thần này, dịch bệnh sẽ được khống chế. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia đang nghiên cứu và sẽ có vắc-xin phòng dịch. Mặc dù dịch vẫn lây lan rất lớn ở nhiều quốc gia. Một số quốc gia vẫn phải đóng cửa để chống dịch lần thứ hai, thậm chí lần thứ ba nhưng chúng ta hy vọng dịch sẽ được khống chế tốt trong năm 2021.

Chậm nhất, đến nửa cuối năm 2021, nền kinh tế thế giới sẽ quay trở lại phục hồi và tăng trưởng. Hoạt động đầu tư tăng lên. Khi kinh tế phục hồi, BĐS sẽ là ngành phục hồi đầu tiên, đón đầu các cơ hội phát triển. Trường hợp xấu nhất, đến nửa cuối năm 2021, dịch bệnh chưa được khống chế toàn diện, thì chúng ta vẫn hy vọng việc thích ứng với điều kiện mới, vừa phòng chống dịch, vừa mở cửa thúc đẩy sản xuất của các quốc gia trên thế giới ở mức độ vừa phải.

Với điều kiện nước ta đã khống chế dịch ổn định, thì đây cũng sẽ là cơ hội để thu hút đầu tư, đặc biệt BĐS công nghiệp và BĐS nghỉ dưỡng. Tất nhiên, thị trường vẫn chưa quay trở lại như trước khi có dịch, nhưng rõ ràng sẽ phục hồi và phát triển bền vững hơn.

"BĐS vẫn là kênh đáng để đầu tư vào lúc này và trong trung hạn. Nếu đầu tư bất động sản vào lúc này hoặc năm sau, nên chú trọng vào các dự án đồng bộ, có tiềm năng tăng giá trong trung, dài hạn, không nên lướt sóng", ông Thịnh nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay chính sách của Chính phủ đang tập trung gỡ khó cho thị trường BĐS, theo đó dự báo năm 2021 sẽ là điểm sáng với thị trường BĐS.

Theo ông Phương, hiện thị trường BĐS không bi quan bởi tỷ lệ tiêu thụ của mỗi đợt mở bán đều rất khả quan. Cụ thể, theo báo cáo về thị trường BĐS của CBRE, tỷ lệ tiêu thụ cả Hà Nội và Tp.HCM luôn ở mức ổn định, riêng tại Tp.HCM, nguồn cung căn hộ hộ mở bán hầu như không đáp ứng nhu cầu, lượng tiêu thụ luôn ở mức cao, vượt nguồn cung. Bên cạnh đó, ở góc độ kết quả kinh doanh, các công ty BĐS luôn có lợi nhuận tăng trưởng ổn định, mặc dù khó khăn hơn trước.

Cùng quan điểm, CEO LDG chia sẻ, viễn cảnh của thị trường BĐS trong vòng 5 năm tới vẫn sôi động vì nhu cầu về chỗ ở còn rất lớn. Nếu luật đứng im hay thay đổi thì NĐT BĐS vẫn phải làm, phải phát triển BĐS. Nhìn chung, bức tranh của các loại hình BĐS đều đang phát triển theo chiều hướng tích cực, so với các quốc gia khác thì BĐS Việt Nam mới ở giai đoạn khởi động, 20 năm nữa vẫn phát triển tốt.

Chia sẻ trước đó, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng khẳng định, cơ hội phát triển của thị trường BĐS còn lớn. Những diễn biến tích cực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang khiến các thành viên thị trường tự tin hơn. Đặc biệt, nếu xét cả các bối cảnh chung là khu vực và thế giới thì Việt Nam nói chung, thị trường BĐS nói riêng đang có được nhiều triển vọng sớm phục hồi trở lại.

"Theo cá nhân tôi, Chính phủ đã và đang đưa ra những chính sách rất kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Mặc dù vậy, cũng nên có những hình thức và biện pháp hợp lý để đánh giá một cách tổng quan, cũng như chi tiết các kiến nghị do các doanh nghiệp đề xuất. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng Chính phủ sẽ xem xét đến việc giải quyết một cách triệt để các vấn đề pháp lý và thủ tục của dự án mới, để có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn", ông Khương khuyến nghị.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên