Kinh nghiệm vượt bão Covid-19 đi từ sống sót đến thịnh vượng
Không có lợi thế cạnh tranh nào tồn tại mãi mãi. Muốn sinh tồn cần tạo ra những lợi thế cạnh tranh nhất thời nhưng liên tục và học hỏi kinh nghiệm “thực chiến” từ những người giỏi nhất.
Tại Chương trình đào tạo – tọa đàm "Vaccine cho doanh nghiệp – Từ sống sót đến thịnh vượng" khóa 1 do Viện Quản trị và Công nghệ FSB phối hợp cùng các chuyên gia FPT tổ chức, gần 100 doanh nhân tham dự đã cùng trao đổi, thảo luận và tìm ra giải pháp để cùng nhau vượt bão Covid-19. Hoạt động này nằm trong chương trình FPT eCovax do Tập đoàn FPT khởi sướng với mong muốn cung cấp các "vũ khí" giúp doanh nghiệp tăng cường kháng thể thích ứng và linh hoạt trước mọi tình huống để đảm bảo kinh doanh không gián đoạn, vượt qua những thách thức của đại dịch.
Tăng cường kháng thể nâng cao sức khỏe doanh nghiệp
Trong vai trò diễn giả của Chương trình đào tạo trên, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng việc sống chung với Covid-19 là sự thật hiển nhiên, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng đều phải đối mặt. Do đó, theo bà Hương, việc lập kế hoạch kinh doanh tại thời điểm này trọng tâm không phải là mục tiêu mà là kiện toàn năng lực của tổ chức, tập trung vào những hoạt động làm cho doanh nghiệp khỏe lên. "Cho dù có Covid-19 hay không có Covid-19, doanh nghiệp phải đảm bảo 3 yếu tố sức khỏe tài chính, năng lực cốt lõi và sự gắn kết của tổ chức. Trong đó, năng lực cốt lõi dù có gặp khó khăn đến mấy cũng phải giữ, nó giống như con đường, nếu còn đó thì doanh nghiệp sẽ có lối để đi", bà Hương nhấn mạnh.
Liên quan đến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư U&I, dòng tiền luôn là vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp. Khi khó khăn mới quan tâm đến vấn đề này thì là quá chậm, luôn phải sẵn sàng phương án dự phòng. Vấn đề quan trọng thứ 2 được doanh nhân Mai Hữu Tín, người nổi tiếng với những thương vụ "giải cứu" các công ty sản xuất lớn, chia sẻ với các học viên của Chương trình là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. "Không có lợi thế cạnh tranh nào tồn tại mãi mãi. Muốn tồn tại, doanh nghiệp cần tạo ra những lợi thế cạnh tranh nhất thời nhưng liên tục bằng cách học hỏi từ những người giỏi nhất trên phạm vi toàn cầu", ông Tín nói.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư U&I chia sẻ tại khóa đào tạo.
Ngủ đông chủ động và công thức 5+1
Các quy định về giãn cách xã hội buộc các doanh nghiệp rơi vào tình trạng "ngủ đông" và đứng trước nguy cơ rơi vào hôn mê nếu tình trạng "ngủ đông" kéo dài. Để không rơi vào tình trạng này, theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, doanh nghiệp cần học tự nhiên khi ngủ đông. "Con gấu, hay con sóc khi ngủ đông đều tích trữ sẵn lương thực. Đến mùa xuân, chúng tỉnh giấc, và nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Doanh nghiệp cũng vậy, cần phải ngủ đông một cách chủ động và sẵn sàng các phương án làm mới mình khi "mùa xuân đến". Vậy doanh nghiệp nên chủ động "ngủ đông" như thế nào? Theo ông Tiến, doanh nghiệp chỉ "ngủ đông" khi khách hàng của chính doanh nghiệp tạm thời "ngủ đông". Và khi đã "ngủ đông" thì doanh nghiệp cần tích trữ và giảm tối thiểu việc tiêu hao năng lượng.
Cùng với việc "ngủ đông" chủ động, theo ông Tiến, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng phương án cho làm việc trực tuyến. "Làm việc trực tuyến không đơn giản là mang máy tính về nhà, nếu bạn làm vậy, năng suất lao động chỉ còn 30-50%. Để đảm bảo doanh nghiệp có thể làm việc từ xa đúng nghĩa cần đáp ứng được công thức 5+1", ông Tiến cho biết. Công thức 5+1 được ông Tiến đề cập đến là đảm bảo 5 yếu tố về mặt công nghệ và xây dựng văn hóa làm việc từ xa. 5 yếu tố công nghệ bao gồm đưa toàn bộ hạ tầng, ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp lên môi trường điện toán đám mây; triển khai các giải pháp bảo mật; xây dựng quy trình làm việc online; ứng dụng các giải pháp, công cụ làm việc online và đảm bảo về đường truyền kết nối.
Đúc rút từ những chia sẻ của các diễn giả, ông Trần Phước Thành, Giám đốc Công ty BĐS Đại Hưng Thịnh khu vực TP. HCM, một trong gần 100 học viên đã tham gia khóa học cho biết, ngay sau khóa học đã rút ra được công thức vượt khủng hoảng cho cả lĩnh vực tài chính và nhân sự của công ty và đã áp dụng ngay vào hoạt động của doanh nghiệp. Còn ông Đỗ Hữu Thanh, Tổng Giám đốc Công ty May Sư tử vàng, đã tìm thấy liều "vaccine" hiệu quả từ Chương trình đào tạo này. "Qua khóa học tôi đã tìm thấy niềm tin và sự can đảm, cũng như tâm ý chuẩn bị của người chỉ huy thời chiến, đó là tiếp cận góc nhìn từ tài chính, tiết giảm chi phí cho tình hình làm việc mới và chuẩn bị sẵn sàng các phương án làm việc từ xa hiệu quả".
Khóa 1, Chương trình đào tạo – tọa đàm "Vaccine cho doanh nghiệp – Từ sống sót đến thịnh vượng" do Viện Quản trị và Công nghệ FSB phối hợp cùng các chuyên gia Tập đoàn FPT xây dựng đã giúp gần 100 doanh nhân tìm thấy những giải pháp vực dậy doanh nghiệp và tự tin hơn với tư duy hành động thời chiến. Khóa 2 của Chương trình sẽ khai giảng ngày 22/10. Đăng ký tham gia tại đây hoặc Hotline 0904 922 211.