Kinh tế Anh đứng trước nguy cơ đánh mất cả thập kỷ
Bóng tháp đồng hồ Big Ben ở London dưới một vũng nước. (Ảnh: Reuters)
Nền kinh tế Anh đang trên đà giảm 0,4% trong năm tới, khi lạm phát vẫn ở mức cao và các công ty dừng kế hoạch đầu tư, gây ra những tác động tiêu cực cho tăng trưởng dài hạn, Liên đoàn Công nghiệp kinh doanh (CBI) nhận định trong dự báo đưa ra ngày 5/12.
- 25-10-2022Thủ tướng Anh trẻ nhất 200 năm đối mặt thách thức cực lớn về kinh tế, chính trị
- 03-10-2022Khủng hoảng tài chính Anh: Lời cảnh báo cho các nền kinh tế toàn cầu
- 06-09-2022Ấn Độ vượt Anh, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới
“Anh đang trong giai đoạn lạm phát đình trệ, với lạm phát tăng vọt, tăng trưởng âm, năng suất và đầu tư giảm. Các doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội tăng trưởng tiềm năng nhưng những trận gió ngược khiến họ dừng đầu tư trong năm 2023”, Tổng giám đốc CBI Tony Danker nói.
Dự báo của CBI cho thấy sự hạ cấp mạnh so với dự báo gần đây nhất đưa ra vào tháng 6. Khi đó, CBI dự báo mức tăng trưởng 1% trong năm 2023 và cho rằng đến giữa năm 2024, GDP của Anh sẽ trở về mức trước COVID-19.
Anh chịu tác động nặng nề vì tình trạng giá khí tự nhiên tăng vọt sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, cùng với tình trạng thị trường lao động không hồi phục hoàn toàn sau đại dịch COVID-19, trong khi đầu tư và năng suất sản xuất yếu.
Tỷ lệ thất nghiệp có thể tiếp tục tăng từ 3,6% hiện nay để đạt đỉnh 5% vào cuối năm 2023 và đầu 2024, CBI nhận định.
Lạm phát ở Anh trong tháng 10 lên mức cao kỷ lục trong 41 năm khi chạm mốc 11,1%. CBI dự đoán lạm phát sẽ giảm dần, xuống còn 6,7% trong năm sau và 2,9% vào năm 2024.
Dự báo của CBI tương đồng với dự báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cho rằng kinh tế Anh sẽ hoạt động yếu nhất ở châu Âu, trừ Nga, trong năm tới.
Để tránh khả năng này, CBI kêu gọi Chính phủ Anh cải thiện hệ thống visa làm việc hậu Brexit để có sự linh hoạt hơn, chấm dứt việc cấm xây dựng tua-bin gió trên bờ và khuyến khích đầu tư bằng ưu đãi thuế.
“Chúng ta sẽ thấy một thập kỷ tăng trưởng bị đánh mất nếu không hành động. GDP là phép nhân đơn giản của 2 yếu tố: Con người và năng suất. Nhưng chúng ta không có những con người chúng ta cần, cũng như không có cả năng suất”, ông Danker nói.
Theo Reuters
Tiền phong