Kinh tế cửa khẩu - Động lực tăng trưởng kinh tế của Lạng Sơn
Lạng Sơn đang nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm, đầu mối xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế, là động lực trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trong giai đoạn hội nhập toàn diện.
- 27-01-2023Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tiếp tục giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp
- 27-01-2023Sẽ sửa quy định quyết toán thuế với thu nhập từ tiền lương, tiền công
- 27-01-2023Tỉnh không có thu nhập cao nhưng trung bình 20 người đã có 1 người sở hữu ô tô, lãnh đạo địa phương 'đau đầu'
Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu là 1 trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2025. Để thực hiện mục tiêu này, Lạng Sơn đã xây dựng những giải pháp đồng bộ từ quy hoạch đến cơ sở hạ tầng.
Khu kinh tế cửa khẩu Ðồng Ðăng, tỉnh Lạng Sơn là một trong 9 khu kinh tế quan trọng của cả nước, được thành lập cuối năm 2008 với quy mô gần 400Km2. Sau hơn 14 năm đi vào hoạt động, các công trình phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu tại Khu Kinh tế đã được xây dựng khá đồng bộ và liên hoàn, trong đó có công trình tòa nhà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị với nhiều trang thiết bị hiện đại; các khu vực bến bãi hay tuyến đường chuyên dụng xuất, nhập khẩu hàng hóa qua mốc 1119-1120,... góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới.
Bên cạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tỉnh Lạng Sơn còn tích cực tìm hướng cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng Giám đốc Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương - đơn vị kinh doanh bến bãi tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết, là DN đầu tư vào hạ tầng cửa khẩu trong chuỗi logistics, DN đã cố gắng bằng nhiều phương án để đầu tư.
“Hạ tầng hiện nay đã đáp ứng được gần 1.000 phương tiện lưu, đỗ hằng ngày, phục vụ tốt hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, cố gắng sang tải hàng hóa 100% đối với những lô hàng đã được đăng ký trong ngày, không để tồn đọng, giảm chi phí cho các DN", ông Cương cho biết.
Ngoài cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn cũng tận dụng tối đa các nguồn vốn để xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng trọng yếu ở các cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng), Chi Ma (Lộc Bình)... với tổng vốn hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó từ nguồn vốn ngân sách nhà nước gần 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, địa phương này còn tích cực tìm kiếm nguồn vốn từ các DN và đã có 126 dự án trong nước được đầu tư vào Khu Kinh tế cửa khẩu, tổng vốn đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó có 20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký hơn 207 triệu USD.
Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị cho biết, để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Lạng Sơn còn thành lập tổ liên ngành thực hiện hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn; tổ chức các đoàn kiểm tra về tiến độ thực hiện các dự án đăng ký đầu tư trong địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu, qua đó đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.
“Trước đây với 1 tờ khai, DN phải đến khai báo tận nơi, mất nhiều công sức, có khi mất 2-3 ngày nhưng hiện nay DN chỉ cần ở bất cứ đâu cũng có thể cập nhật các dữ liệu để cơ quan quan hải quan phục vụ, chỉ trong vòng 5-7 phút đã có thể hoàn tất thủ tục thông quan”, ông Bộ khẳng định.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát huy những lợi thế, tiềm năng của kinh tế cửa khẩu, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, tỉnh Lạng Sơn chính thức vận hành nền tảng cửa khẩu số ở tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, doanh nghiệp thực hiện xuất, nhập khẩu qua biên giới.
Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh, đến nay nền tảng cửa khẩu số đã góp phần xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp tại các cửa khẩu trên địa bàn.
Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đánh giá, ngành Hải quan đã xây dựng kế hoạch cải cách, hiện đại hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trong đó gắn việc thực hiện cửa khẩu số với việc xây dựng hải quan số, hải quan thông minh.
“Cục Hải quan Lạng Sơn sẽ thực hiện triệt để nền tảng cửa khẩu số một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả nhất để phục vụ mục tiêu chung về minh bạch các hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, giúp cho việc quản lý điều hành của địa phương, các ngành, các cấp được thuận lợi và dễ dàng hơn”, ông Tài khẳng định.
Tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực phấn đấu xây dựng địa phương này sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động XNK, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Ðông Bắc.
Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII xác định, giai đoạn từ năm 2020-2025, cần tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Với những giải pháp đồng bộ, từ quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư được các cấp, ngành tích cực triển khai, Khu Kinh tế cửa khẩu Ðồng Ðăng Lạng Sơn ngày càng thể hiện rõ nét vai trò là vùng kinh tế động lực, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh theo đúng mục tiêu đã đề ra.
“Tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên cơ sở phát huy các lợi thế về cửa khẩu và kinh tế biên mậu, bằng cách triển khai các khu để thực hiện dịch vụ logistics, các bến bãi, các khu vực chế biến, đóng gói, bảo quản... từ đó phục vụ hoạt động xuất khẩu hàng hóa được thuận lợi, thông suốt, ổn định”, ông Thiệu chỉ rõ.
Tập trung vào các giải pháp chủ yếu để phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu, trong đó chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu vực cửa khẩu và sớm hình thành các khu chức năng trong Khu Kinh tế cửa khẩu... tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực phấn đấu xây dựng để sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế động lực trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trong giai đoạn hội nhập toàn diện của đất nước, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các khu vực khác trên thế giới.
VOV