MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế khá giả, thu nhập càng tăng vì sao đàn ông Trung Quốc nghĩ tới mua bảo hiểm đầu tiên?

27-02-2017 - 14:38 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc trong những năm gần đây được coi là nền kinh tế phát triển ấn tượng nhất thế giới khi trở thành thị trường số 1 toàn cầu với tốc độ tăng trưởng cao qua nhiều năm. Tuy nhiên, có lẽ sự tăng trưởng nóng của nước này đang giết chết rất nhiều nam giới trong độ tuổi tráng niên.

Theo báo cáo mới nhất từ nhiều hãng bảo hiểm Trung Quốc, tỷ lệ tử vong ở nam giới nước này trong độ tuổi 41-60, chiếm 3/4 số người trong độ tuổi lao động, đã tăng 12% chỉ trong vòng 10 năm qua. Đây là con số gây bất ngờ với nhiều chuyên gia khi tỷ lệ tử vong tại Trung Quốc xếp theo các độ tuổi và giới tính khác đều được cải thiện theo thời gian nhờ tăng trưởng kinh tế cũng như chất lượng sống.

Số liệu này của các hãng bảo hiểm chỉ rõ ra rằng thành công quá nóng của kinh tế cũng như sự bùng nổ của thị trường tài chính đang tạo ra những thói quen tệ hại cho sức khỏe người dân. Thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc đã tăng 90% trong vòng 6 năm qua và thậm chí tỷ lệ này còn cao hơn nếu tính trong vòng 1 thập niên qua. Tuy vậy, tỷ lệ tiêu thụ rượu, phần lớn là khách hàng nam giới, lại tăng 5% mỗi năm trong vòng 15 năm qua.

Theo hãng Bernstein, tỷ lệ tăng trưởng tiêu thụ rượu này là rất cao so với mức bình quân toàn cầu. Việc tiêu thụ quá nhiều rượu bia, thuốc lá cùng những thực phẩm nhiều đạm khiến nam giới Trung Quốc có tỷ lệ cao mắc các bệnh về phổi hoặc tim mạch.

Thêm vào đó, áp lực xã hội để tích lũy tài sản nhằm nâng cao vị thế cũng như có được cơ hội cưới vợ, duy trì giống nòi tại Trung Quốc đang khiến nam giới nước này ngày càng phung phí sức khỏe.

Nhiều chuyên gia nhận định việc không chăm lo sức khỏe cho tầng lớp lao động chính của Trung Quốc sẽ khiến nước này càng lâm vào tình trạng thiếu hụt nhân công trong tương lai, khi tỷ lệ sinh giảm và vấn đề lão hóa dân số ngày một gia tăng.

Số liệu của McKinsey cho thấy tăng trưởng năng suất bình quân giờ tại Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại từ năm 2010 và tiếp tục ở mức thấp, chỉ bằng khoảng 1/3 so với các nước thành viên kinh tế phát triển OECD.

Hiện Trung Quốc đang dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang mô hình tập trung cho dịch vụ và xu thế này cần điều kiện cốt yếu là năng suất lao động phải gia tăng để đáp ứng được nhu cầu thị trường. Việc lão hóa dân số của Trung Quốc có thể được chống đỡ bởi tầng lớp lao động nông thôn nhưng nếu năng suất không đi lên, chính quyền Bắc Kinh sẽ gặp khó để có thể đạt mục tiêu kinh tế đã đề ra.

Trong khi thông tin trên là một điều không mấy tích cực với người dân Trung Quốc cũng như chính phủ thì đây lại là cơ hội làm ăn lớn cho nhiều mảng kinh doanh. Ngành bảo hiểm của nước này trong thời gian qua đã ăn nên làm ra khi trong 330 triệu người mua bảo hiểm online ở Trung Quốc, số khách hàng nam giới chiếm tới gần 60%.

Ngoài ra, những công ty dược phẩm cũng được lợi khi các loại thuốc cho bệnh mãn tính ở Trung Quốc bán chạy.

Dẫu vậy, có lẽ được hưởng lợi nhiều nhất vẫn là các công ty bia rượu, thuốc lá khi kinh tế tăng cao khiến nam giới có điều kiện và nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này nhiều hơn. Giá cổ phiếu của hàng loạt các hãng sản xuất bia rượu lớn như Wuliangye, Kweichow Moutai đã tăng tương ứng 16% và 18% kể từ đầu năm 2017. Cổ phiếu của những công ty này đã trở thành hàng nóng từ tháng 12/2016.

Có lẽ Trung Quốc có thể tự hào là nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng nhất thế giới với vị thế ngày một tăng cao, nhưng có lẽ ánh hào quang này đang bị đánh đổi bằng sinh mạng của nhiều người lao động.

Mức độ ô nhiễm ở Trung Quốc hiện được đặt trong tình trạng báo động đỏ - mức độ nghiêm trọng nhất hệ thống báo động nước này.

Theo Băng Tâm

Thời Đại

Trở lên trên