MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Kinh tế Mỹ cần phép màu để tránh suy thoái'

30-08-2022 - 16:22 PM | Tài chính quốc tế

Nhà kinh tế học Stephen Roach, cảnh báo nước Mỹ cần một "phép màu" để tránh suy thoái.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, ông Stephen Roach, người từng là chủ tịch Morgan Stanley châu Á đã lên tiếng cảnh báo về tương lai không mấy sáng sủa cho nền kinh tế Mỹ.

Theo ông Stephen Roach, tăng trưởng kinh tế âm trong nửa đầu năm có thể là dấu hiệu báo trước cho một cuộc suy thoái sâu, kéo dài đến năm 2024.

"Chúng ta chắc chắn sẽ có một cuộc suy thoái khi tác động của việc thắt chặt tiền tệ bắt đầu phát huy tác dụng", ông Roach phát biểu trong chương trình "Fast Money" của CNBC.

"Hiện tại mọi thứ vẫn chưa bắt đầu", chuyên gia kinh tế khẳng định thêm.

Kinh tế Mỹ cần phép màu để tránh suy thoái - Ảnh 1.

Ông Stephen Roach dự báo nước Mỹ đối diện một cuộc suy thoái đến năm 2024 (Ảnh: Getty)

Ông Roach, thành viên cấp cao của Đại học Yale và từng là nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang, cho rằng, Chủ tịch FED Jerome Powell không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng phương pháp thắt chặt tiền tệ của người tiền nhiệm Paul Volcker. Vào đầu những năm 1980, ông Volcker đã mạnh tay tăng lãi suất kiềm chế lạm phát.

"FED đang quay trở lại với phương pháp "đau đớn" mà Paul Volcker đã phải áp đặt lên nền kinh tế Mỹ để dập tắt lạm phát những năm 80. Kết quả sẽ là tỷ lệ thất nghiệp trên 10%" ông Roach nói.

Bất chấp quỹ đạo tăng lãi suất mạnh mẽ của FED, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện ở mức 3,5%. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi vào thứ Sáu tới đây khi Cục Thống kê Lao động công bố báo cáo tháng 8. Ông Roach dự đoán tỷ lệ sẽ bắt đầu cao lên.

"Tỷ lệ thất nghiệp có lẽ phải lên trên 5%. Tôi hy vọng không cao hơn nhiều, nhưng nó có thể tăng lên 6%", ông Roach nói.

Chuyên gia kinh tế kỳ cựu nhấn mạnh, điểm mấu chốt cuối cùng có thể là người tiêu dùng. Ông suy đoán rằng người dân Mỹ sẽ sớm "đầu hàng" do lạm phát dai dẳng. Hậu quả của việc cắt giảm chi tiêu của người dân sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế và tạo ra "nỗi đau" trên thị trường lao động.

Khi được hỏi về triển vọng kinh tế toàn cầu, ông Roach cũng dự đoán, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ chìm vào suy thoái. Một phần lý do là kinh tế Trung Quốc đang gặp khó với diễn biến khó lường của dịch COVID-19, khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, ông Roach cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới mối quan hệ Mỹ - Trung tình hình mới, có thể tác động mạnh tới triển vọng kinh tế toàn cầu thời gian tới.

Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/7, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau mức giảm 1,6% trong 3 tháng đầu năm.

Nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận tăng trưởng âm trong quý II vừa qua, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm.

Điều này làm dấy lên lo ngại nền kinh tế đầu tàu thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.

Trong bối cảnh đó, phát biểu tại hội nghị chuyên đề ở thành phố Jackson Hole, bang Wyoming đêm 26/8 (giờ Việt Nam) Chủ tịch FED, ông Jerome Powell khẳng định cơ quan này sẽ sử dụng tối đa các công cụ để chống lại lạm phát. Đó sẽ là tiếp tục tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao cho đến lạm phát được kiểm soát, với mục tiêu lạm phát phải về quanh mốc 2%.

Kinh tế Mỹ cần phép màu để tránh suy thoái - Ảnh 2.

Nước Mỹ khó có thể tránh suy thoái khi mà FED quyết tâm trong việc lạm phát?

Kenneth Broux, chuyên lược gia tiền tệ tại Societe Generale, cho biết: "Những bình luận của ông Powell đã cho thấy, việc FED duy trì lãi suất cao sẽ diễn ra trong thời gian dài hơn. Giả định rằng FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào giữa năm 2023 là quá sớm".

Reuters nhận định, nền kinh tế Mỹ co lại với tốc độ vừa phải, nhẹ hơn mức dự báo, có thể xua tan lo ngại rằng một cuộc suy thoái đang diễn ra. Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng ổn định trong quý trước, tính ở khía cạnh thu nhập.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường lao động vững chắc có nghĩa là kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái. Mỹ có thêm 528.000 việc làm trong tháng 7. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,5% - mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua. Doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và chi tiêu kinh doanh trong tháng 7 vẫn tăng trưởng ổn định.

Theo Thùy An

VTV

Trở lên trên