MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Mỹ phập phù

23-12-2018 - 08:40 AM | Tài chính quốc tế

Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đóng cửa một phần sau khi quốc hội chia rẽ về ngân sách xây bức tường dọc biên giới với Mexico

Nỗi lo về nguy cơ kinh tế suy thoái đang bao trùm nước Mỹ theo sau "màn trình diễn" thảm họa của thị trường chứng khoán và chính phủ buộc phải đóng cửa một phần bởi bất đồng về ngân sách cho bức tường biên giới.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones hôm 21-12 giảm 7%, qua đó khép lại tuần lễ tồi tệ nhất trong 10 năm. Chỉ số Nasdaq Composite rơi vào thị trường gấu (giảm ít nhất 20% so với mức cao nhất) lần đầu tiên kể từ năm 2008 và chỉ số S&P 500 suýt lâm vào tình cảnh tương tự.

Theo AP, một loạt yếu tố đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư thời gian qua, từ lợi nhuận doanh nghiệp thấp hơn kỳ vọng, nợ doanh nghiệp tăng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Hôm 19-12, các nhà đầu tư thêm lo lắng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2019. Trang Bloomberg ngày 22-12 dẫn 4 nguồn thạo tin cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận việc cách chức Chủ tịch FED Jerome Powell do ngày càng thất vọng với chuyện FED nâng lãi suất trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc.

Kinh tế Mỹ phập phù - Ảnh 1.

Khung cảnh tại sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) hôm 21-12Ảnh: REUTERS

Tình hình càng thêm xấu đi bởi sự kiện chính phủ Mỹ chính thức đóng cửa một phần từ nửa đêm 21-12 (giờ địa phương) sau khi quốc hội chia rẽ trước yêu cầu của ông Trump về khoản ngân sách 5 tỉ USD để xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico.

Theo AP, đàm phán vẫn tiếp tục khi cả thượng viện và hạ viện có các phiên họp hiếm hoi trong ngày cuối tuần (22-12). Vào tuần rồi, ông Trump công khai ủng hộ việc đóng cửa chính phủ trong nhiều tháng, nếu cần, cho đến khi có tiền xây tường biên giới. Dù vậy, phần lớn nghị sĩ Cộng hòa không muốn kịch bản trên bởi các cuộc thăm dò cho thấy công chúng nhìn chung không ủng hộ bức tường và phản đối chuyện chính phủ đóng cửa do những tranh cãi về nó.

Một trong những rào cản lớn nhất cho đàm phán, như nhận định của các thành viên Cộng hòa, là tính khó đoán và khuynh hướng đổi ý đột ngột của ông chủ Nhà Trắng. Khả năng tìm được tiếng nói chung càng xa vời nếu bế tắc kéo dài đến sau ngày 3-1-2019, thời điểm đảng Dân chủ chính thức kiểm soát hạ viện. Nhiều nghị sĩ đảng này lâu nay vẫn phản đối chi tiền cho bức tường biên giới.

Trong lúc chờ đợi, nhiều bộ và cơ quan chính phủ, trong đó có các bộ An ninh Nội địa, Giao thông, Nội vụ, Nông nghiệp, Ngoại giao và Tư pháp... phải chấp nhận cảnh không có tiền hoạt động, tác động tiêu cực đến công việc và cuộc sống của khoảng 800.000 nhân viên liên bang trong dịp lễ cuối năm. Khoảng 420.000 nhân viên có công việc được xem là quan trọng vẫn phải đi làm mà không lãnh đồng nào trong khi 380.000 người "nghỉ phép" không lương.

Bất chấp những dấu hiệu u ám nói trên, vẫn còn quá sớm để nhận định kinh tế Mỹ sắp suy thoái. Khi công bố quyết định nâng lãi suất hôm 19-12, FED vẫn tin tưởng vào sức khỏe của kinh tế và thị trường việc làm trong nước. Tuy nhiên, ông Powell nhìn nhận kinh tế đối mặt một số thách thức mới những tháng qua, như giá cổ phiếu sụt giảm, tăng trưởng chậm lại ở châu Âu và Trung Quốc... Quan chức này cũng dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại và FED tăng lãi suất ít lần hơn trong năm tới.

Sự thận trọng của ông Powell không phải là thừa khi Bộ Thương mại Mỹ hôm 21-12 điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế trong quý III/2018, từ 3,5% còn 3,4%. Nguyên nhân là chi tiêu tiêu dùng - động lực chính của tăng trưởng kinh tế Mỹ - yếu hơn ước tính ban đầu. AP nhận định kinh tế Mỹ suy thoái khó xảy ra trong năm 2019 nhưng sự lao dốc tiếp diễn của thị trường chứng khoán đe dọa đẩy nhanh thời điểm này.

Theo Hoàng Phương

Người Lao động

Trở lên trên