Kinh tế sa sút “ép” Trung Quốc mềm mỏng hơn trong đàm phán thương mại?
Loạt biện pháp kích cầu Trung Quốc đưa ra gần đây phần nào phản ánh mức độ lo ngại về sức khỏe nền kinh tế...
Nền kinh tế Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu rõ rệt của sự giảm tốc. Liệu điều này có khiến Bắc Kinh sớm đi đến một thỏa thuận thương mại với Washington?
Các số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm thứ Hai về các lĩnh vực công nghiệp, bán lẻ và đầu tư cơ bản đều cho thấy sức khỏe yếu đi của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Đặc biệt, sản lượng công nghiệp - một "hàn thử biểu" quan trọng của kinh tế Trung Quốc - chỉ tăng 4,4% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng yếu nhất trong 17 năm và thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 5,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Mỹ-Trung cùng xuống thang căng thẳng
Cuộc chiến thương mại với Mỹ là một nguyên nhân chính dẫn tới sự giảm tốc hiện nay của kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn chịu sức ép suy giảm tăng trưởng từ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm tình trạng vay nợ trong nền kinh tế.
Sau đợt leo thang mạnh hồi tháng 8, thương chiến Mỹ-Trung gần đây đã dịu đi đôi chút.
Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 17/9 cho biết Thứ trưởng Bộ Tài chính nước này Liao Min sẽ dẫn đầu một phái đoàn cấp thứ trưởng tới Washington vào ngày thứ Tư tuần này để thảo luận các vấn đề thương mại và kinh tế. Theo CCTV, chuyến đi này của các quan chức Trung Quốc diễn ra theo lời mời của Mỹ.
Phía Trung Quốc không nói rõ các cuộc gặp sẽ diễn ra vào thời gian nào. Tuy nhiên, vào hôm thứ Hai, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin là quan chức Mỹ cho biết các cuộc thảo luận cấp thứ trưởng sẽ bắt đầu vào ngày thứ Năm.
Đây là cuộc gặp "tiền trạm" cho vòng đàm phán cấp cao dự kiến diễn ra ở Washington vào đầu tháng 10. Vòng đàm phán cấp cao thứ 13 sẽ có sự tham gia của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Tuần trước, Mỹ và Trung Quốc có một loạt động thái nhượng bộ lẫn nhau.
Trung Quốc tuyên bố sẽ miễn thuế quan trả đũa đối với đậu tương và thịt lợn Mỹ. Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ lùi hai tuần kế hoạch áp thêm thuế 5% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/10. Trung Quốc nối lại nhập khẩu đậu tương Mỹ và tạm miễn thuế quan trả đũa đối nhiều mặt hàng Mỹ. Ông Trump cũng để ngỏ khả năng ký một thỏa thuận thương mại giới hạn, tạm thời với Trung Quốc.
Những diễn biến này dẫn tới đánh giá cho rằng thiệt hại mà thương chiến gây ra đã khiến cả Mỹ và Trung Quốc nhận thấy cần phải xuống thang để đi đến một giải pháp. Nếu xung đột tiếp tục gia tăng, khả năng tái cử của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 rất có thể sẽ suy giảm. Nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ hứng chịu những tổn thất không nhỏ, mà biểu hiện qua các con số thống kê đã rất rõ ràng.
Trung Quốc đang lo lắng?
Nhận định với trang CNN Business, chiến lược gia Ken Cheung Kin Tai thuộc ngân hàng Mizuho ở Hồng Kông cho rằng các dữ liệu kinh tế tháng 8 phản ánh "rủi ro suy giảm tăng trưởng ngày càng lớn" đối với kinh tế Trung Quốc do tác động của thương chiến.
"Trong bối cảnh này, Trung Quốc có thể đã nhận thấy sự cần thiết phải đưa ra một lập trường mềm mỏng hơn trong đàm phán thương mại", ông Ken nhận xét.
Loạt biện pháp kích cầu mà Bắc Kinh triển khai thời gian gần đây phần nào phản ánh mức độ lo ngại của Chính phủ Trung Quốc về sức khỏe nền kinh tế.
Gần đây nhất, vào hôm 6/9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ ba kể từ đầu năm, theo đó giải phóng lượng vốn 900 tỷ Nhân dân tệ, tương đương hơn 126 tỷ USD, trong hệ thống ngân hàng. Mức dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng thương mại Trung Quốc hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2007, hãng tin Bloomberg cho hay.
Ngoài ra, Trung Quốc đã "thả" cho tỷ giá Nhân dân tệ trượt về mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ trong những tuần gần đây.
Mặc dù vậy, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Martin Lynge Rasmussen thuộc Capital Economics cho rằng đồng nội tệ giảm giá khó bù đắp hoàn toàn được những tổn thất mà nền kinh tế Trung Quốc phải hứng chịu từ thuế quan và sự suy giảm nhu cầu toàn cầu.
Chỉ là nhượng bộ tạm thời?
Chuyên gia kinh tế cấp cao Tommy Wu thuộc Oxford Economics cũng cho rằng Trung Quốc cần có thêm những biện pháp mạnh hơn để bình ổn tăng trưởng. Oxford Economics dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,1% trong năm nay và tăng 5,7% trong 2020.
Dù lạc quan hơn về đàm phán Mỹ-Trung, giới phân tích vẫn dè dặt về khả năng hai nước sớm đi đến một thỏa thuận.
Trao đổi với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nhà nghiên cứu kinh tế Mỹ Lu Xiang thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định: "Từ nay đến cuối năm, hoặc sẽ có một giải pháp cho chiến tranh thương mại, hoặc thương chiến lại leo thang mạnh. Dù điều gì xảy ra, kết quả đó cũng sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch tái tranh cử của ông Trump vào năm tới".
Một nguồn tin ngoại giao nói với SCMP rằng những khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Trong đó, Trung Quốc chưa hề có ý định tiến hành cải cách cơ cấu như Mỹ đòi hỏi trong các lĩnh vực như doanh nghiệp quốc doanh.
Theo nguồn tin, ưu tiên của Bắc Kinh là đảm bảo rằng lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh của Trung Quốc vào ngày 1/10 tới sẽ diễn ra suôn sẻ. Bởi vậy, sau mốc thời gian này, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ cứng rắn trở lại trên bàn đàm phán với Mỹ, khiến khả năng đạt một thỏa thuận lại một lần nữa trở nên xa vời.
VnEconomy