Kinh tế số chiếm 17,5% trong cơ cấu GRDP Đà Nẵng
Kinh tế số tại Đà Nẵng đóng góp đáng kể trong cơ cấu GRDP thành phố với tỷ lệ 17,5%. Đây là thông tin đưa ra tại Hội thảo “Dữ liệu số: Thách thức và Định hướng”, do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức chiều nay (26/5). Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, diễn giả và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
- 27-05-2023ChatGPT đã có trong kho ứng dụng của Apple tại Nhật Bản
- 27-05-2023Hướng dẫn làm PowerPoint trên điện thoại cơ bản nhất
- 27-05-2023Các quan chức G7 sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên về quy định AI vào tuần tới
Năm 2023 được Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số chọn là năm Dữ liệu số. Trong Kế hoạch hoạt động năm nay, Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số giao nhiệm vụ trọng tâm cho thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình năm 2023.
Chủ đề chuyển đổi số năm 2023 của thành phố Đà Nẵng là “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. Theo đó, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2023 với 40 chỉ tiêu và 35 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên triển khai.
Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đầu tư, triển khai chuyển đổi số theo 3 trục Hạ tầng - Dữ liệu - Thông minh. Trong đó, Hạ tầng, Dữ liệu làm nền tảng, nền móng; Ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả. Thành phố Đà Nẵng xác định, chuyển đổi số tập trung chuyển đổi hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tạo không gian phát triển mới; cuối cùng là giúp cuộc sống, môi trường làm việc của người dân được thuận lợi, chất lượng hơn.
Công cuộc chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng diễn ra mạnh mẽ. Toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân chủ động tham gia, đạt nhiều kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư khá đồng bộ. Thành phố đã hình thành một số cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành, triển khai cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, phát triển các nền tảng số dùng chung và các ứng dụng, tiện ích thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, chuyển đổi số đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và quá trình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng. Năm 2022, Kinh tế số đóng góp đáng kể trong cơ cấu GRDP thành phố với tỷ lệ 17,5%; Xã hội số từng bước hình thành và phát triển, dần tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân.
Thành phố Đà Nẵng đã được nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 2 năm liên tiếp (2020 và 2021), thành phố Đà Nẵng xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Ngoài những kết quả đạt được, chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách, khung pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nguồn nhân lực...
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần có giải pháp cụ thể giúp toàn dân tiếp cận công nghệ số, triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình, khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới.
“Chuyển đổi số là hành trình liên tục, lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành và phát triển. Trên hành trình đó, để chuyển đổi số thành công yêu cầu tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, làm việc nào dứt điểm việc đó và cần sự tham gia đồng hành tổng thể không chỉ từ chính quyền thành phố mà cộng đồng doanh nghiệp, xã hội”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh./.
VOV