Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á
Mua hàng qua mạng đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng thời hậu COVID-19 (ảnh minh hoạ)
Nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, đạt mức 23 tỷ USD trong năm nay.
- 28-10-2022Trí tuệ nhân tạo giúp siêu thị và cửa hàng tiện lợi Nhật Bản hạn chế lãng phí thực phẩm
- 28-10-2022Thông tin cá nhân của chúng ta đang bị đánh cắp, mua bán như thế nào?
- 28-10-2022Giá Bitcoin hôm nay 28/10: Bitcoin đi ngang, thị trường phân hóa
Bứt phá từ thương mại điện tử
Báo cáo thường niên “Nền kinh tế số Đông Nam Á” lần thứ 7 do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện và công bố khẳng định: Nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, đạt mức 23 tỷ USD trong năm nay. Đóng góp cho tốc độ tăng trưởng nhanh này là sự phát triển ấn tượng của thương mại điện tử với mức tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới" nhanh chóng sau đại dịch. Tuy nhiên, những thói quen, xu hướng tiêu dùng được hình thành và thúc đẩy trong đại dịch vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển trong giai đoạn “bình thường mới”.
Một trong những xu hướng nổi trội là thương mại điện tử. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ giao đồ ăn (60%) và mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%) nhờ vào những lợi thế trong thanh toán, logistics, truy cập internet và lòng tin của người tiêu dùng. Nhờ vậy, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, tổng giá trị hàng hóa của kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt mức 23 tỷ USD trong năm nay (tăng 28%).
Dự báo ít nhất trong 1 năm tới đây, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ đà tăng tốc khi có 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử.Trong dài hạn, theo đánh giá của báo cáo, Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng như việc thúc đẩy mua hàng trực tuyến, cung cấp các dịch vụ nội dung số mang tính chất giải trí như xem video, chơi game online, nghe nhạc theo yêu cầu, nhất là ở khu vực ngoại thành. Ở nội thành, con số này đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng khi người dùng kỹ thuật số có mức tiếp nhận dịch vụ khá tốt, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử, thực phẩm và tạp hóa đứng đầu danh sách với tỷ lệ lần lượt là 96%, 85% và 85%.
Ông Willy Chang - thành viên cộng sự của công ty Bain & Company đánh giá: kinh tế số Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh COVID - 19 mang lại những kỳ vọng tăng trưởng trong thập kỷ tới, nhất là Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp kỹ thuật số bắt đầu chuyển đổi chiến lược từ việc thu hút khách hàng mới sang việc tương tác sâu hơn cùng khách hàng hiện tại để tăng mức tiêu thụ và giá trị.
Tăng trưởng bền vững cho thập kỷ kỹ thuật số
Cũng giống như kinh tế truyền thống, sự phát triển nhanh của kinh tế số sẽ mang đến những thách thức cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, báo cáo năm nay ngoài việc đi sâu vào các xu hướng trong 5 lĩnh vực chính, lần đầu tiên đề cập đến lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị ( ESG ). Theo nhận định tại báo cáo, cũng giống kinh tế truyền thống, người tiêu dùng thay đổi thói quen sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn để mua sản phẩm, hàng hoá có tính bền vững hơn.
Tốc độ giao hàng nhanh là một trong những lợi thế của thương mại điện tử (ảnh minh hoạ)
Nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh gấp đôi so với GDP ở hầu hết các quốc gia trong khu vực và có thể đạt tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030 nếu có thể khai thác tối đa tiềm năng. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những khu vực chịu nhiều hậu quả và rủi ro nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Dự báo nền kinh tế số của khu vực này sẽ tạo ra 20 triệu tấn khí thải vào năm 2030. Nếu được tối ưu hóa, lượng carbon của các kênh kỹ thuật số có thể giảm tới 30- 40% và có thể giảm hơn nữa so với các kênh truyền thống.
Để tiếp tục mở rộng quy mô một cách bền vững, nền kinh tế số các nước trong khu vực cần thúc đẩy sự phát triển của các yếu tố tăng trưởng mới như thanh toán, đầu tư, logistics... Cùng với các giải pháp kỹ thuật số toàn diện cho khu vực cư dân ngoại thành, sự tiến bộ về các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp là chìa khóa cho sự tiến bộ trong thập kỷ kỹ thuật số.
Diễn đàn doanh nghiệp