MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 6,41%

Trong 14 chỉ tiêu đề ra bởi Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP.HCM, dự kiến có 3 chỉ tiêu không đạt, đó là: GRDP bình quân hàng năm, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 và năng lực quản lý bộ máy chính quyền.

Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế thành phố tăng trưởng khá, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 7,72%, ước giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 6,41%, tỷ trọng kinh tế Thành phố đóng góp trên 22,2% kinh tế cả nước.

Các ngành dịch vụ trong giai đoạn đoạn 2016 - 2019 đạt tăng trưởng bình quân 7,84%, ước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,59%/năm; giá trị gia tăng dịch vụ chiếm tỷ trọng bình quân 33% toàn ngành, đứng đầu cả nước.

Chỉ số thương mại điện tử dẫn đầu cả nước qua các năm. Tỷ trọng doanh số mua bán trực tuyến trên tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 8,14%. Kinh tế thành phố có độ mở thương mại lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 145% GRDP thành phố. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 10%, giai đoạn 2016 - 2020 ước 8,94%/năm. Quy mô xuất khẩu chiếm 15% cả nước.

Ngành vận tải, kho bãi giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 9%/năm, chiếm khoảng 9,8% GRDP. Ngành công nghiệp tăng trưởng khá: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,70%/năm, ước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,51%/năm, giá trị tăng thêm công nghiệp chiếm 17,93% GRDP, đứng đầu cả nước. 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 9%/năm, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp, chiếm tỷ trọng 10,2% GRDP, là động lực cho tăng trưởng công nghiệp của thành phố trong thời gian qua.

Tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống tăng qua các năm, đạt chỉ tiêu 66% vào năm 2020. Khu Công nghệ cao thành phố đã phát triển mạnh mẽ, tổng giá trị xuất khẩu 4 năm đạt 46,36 tỷ USD, ước năm 2020 là 17,24 tỷ USD.

Ngành nông nghiệp có năng suất lao động tăng bình quân giai đoạn 2016 -2019 đạt 21,1%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 23%/năm. Các sản phẩm chủ lực được xác định và đầu tư phát triển mạnh mẽ. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2019 đạt 550 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 lần năm 2015 (367 triệu đồng/ha/năm). Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2019 đạt 5,23%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,72%/năm (cao hơn bình quân cả nước 2,5%/năm).

Về thị trường tài chính, tiền tệ, huy động vốn của các tổ chức tín dụng liên tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 gấp hơn 1,4 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, tiếp tục đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân,...

Với thị trường bất động sản, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, diện tích bình quân nhà ở toàn Thành phố đã tăng lên đáng kể (từ mức 17,32 m2/người năm 2015 lên 20,4 m2/người vào năm 2020).

Do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 chưa đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, một số mặt hạn chế khác được chỉ ra, như: Chưa chú trọng đúng mức việc phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ và hạ tầng giao thông nên chưa tạo được sự dẫn dắt phát triển các ngành kinh tế và tạo đột phá về thu hút đầu tư; sự tụt hậu về hạ tầng là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế; việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, không đạt yêu cầu; GRDP/người của thành phố năm 2020 ước đạt 6.328 USD, không đạt kế hoạch đề ra.

Báo cáo cũng chỉ ra, trong 14 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ thành phố, dự kiến 4 chỉ tiêu vượt, 7 chỉ tiêu đạt và 3 chỉ tiêu không đạt.

Các chỉ tiêu đạt gồm: Chuyển dịch cơ cấu theo định hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp, trong đó tỷ trọng của ngành dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 (62,07%); tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề trong tổng số lao động làm việc (85,2%); tỷ lệ thất nghiệp đô thị (dưới 3,7%); đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng so với đầu năm 2011 (3,5 lần); giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình "Giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2016 – 2020 (1%);…

4 chỉ tiêu vượt gồm: Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP bình quân hàng năm (38,42%); tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân (33,5%); trong 5 năm, tạo 671.207 việc làm mới; đến cuối năm 2020, tổng diện tích xây dựng mới đạt 48 triệu m2.

3 chỉ tiêu không đạt được, ngoài tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân tăng hàng năm và GRDP bình quân đầu người, đó còn là năng lực quản lý bộ máy chính quyền (xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index)).

Theo Nhân Tâm

Theo Nhà đầu tư

Trở lên trên