Kinh tế trì trệ, hơn 5 triệu người Trung Quốc mất việc làm chỉ trong 2 tháng đầu năm
Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 2, lên mức 6,2%.
- 16-03-2020Từ sản xuất, bán lẻ đến đầu tư đều lao dốc kỷ lục, kinh tế Trung Quốc "ngấm đòn" Covid-19
- 14-03-2020Làn sóng giảm mạnh lương tại doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu
Theo số liệu được công bố mới đây, khoảng 5 triệu người ở Trung Quốc đã mất việc trong thời điểm virus corona bùng phát ở 2 tháng đầu năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 2, lên mức 6,2%, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia. Trong khi con số này trong tháng 1 là 5,3% và tháng 12/2019 là 5,2%.
Kinh tế gia trưởng nghiên cứu về Trung Quốc tại Macquarie – Larry Hu, nhận định: "Con số này thực sự đáng kinh ngạc, tương đương với hơn 5 triệu người đã mất việc trong 2 tháng vừa qua."
Số liệu từ chính phủ cho thấy, tính đến cuối năm ngoái, ở khu vực thành thị, số lượng nhân sự được tuyển dụng là 442,47 triệu người và 4,67 triệu người mất việc kể từ thời điểm đó. Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc là một trong những số liệu được cho là thiếu minh bạch nhất, kể cả sau khi quốc gia này thay đổi phương pháp tính trong một cuộc khảo sát vào năm 2018.
Trong 20 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị đã dao động ở gần mức 4-5%. 2 tháng đầu năm nay, con số trên đã tăng vọt lên mức 6,2%. Mao Shengyong – người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia, nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 16/3 rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ giảm 1 nửa khi các doanh nghiệp quay trở lại làm việc.
Kể từ dịp Tết Nguyên đán, hơn 1 nửa hoạt động kinh tế ở quốc gia này đã đóng cửa ít nhất 1 tuần nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Tuần trước, công suất làm việc chỉ đạt 60% khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trở lại, thậm chí còn cao hơn so với những công ty lớn hơn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng việc mở cửa và hoạt động bình thường trở lại không có nghĩa là công suất sẽ đạt mức như trước đây. Theo đó, Dan Wang đến từ The Economist Intelligence Unit dự kiến rằng 9 triệu người ở các thành phố trên khắp Trung Quốc sẽ mất việc làm do hậu quả của Covid-19.
Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng chỉ là một trong số những dữ liệu được công bố vào ngày 16/3, cho thấy dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới như thế nào. Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng cũng giảm 20,5% so với năm ngoái vào tháng 1 và tháng 2. Doanh số bán hàng online của các sản phẩm vật lý tăng 3%, chiếm khoảng 1/5 tổng doanh số bán lẻ. Sản lượng công nghiệp giảm 13,5%, trong khi đầu tư trái phiếu mất 24,5% so với cùng kỳ.
Robin Xing, Zhipeng Cai và Jenny Zheng – kinh tế gia của Morgan Stanley, viết trong một lưu ý rằng sự sụt giảm trong tháng 1 và tháng 2 cho thấy tốc độ tăng trưởng quý I sẽ rớt xuống mức âm. Nhóm nghiên cứu cho biết thêm về tỷ lệ thất nghiệp: "Số liệu yếu kém có thể kéo dài đến tháng 3 dù hoạt động sản xuất sẽ dần mở cửa trở lại, vì số lượng người làm việc online đã giảm thêm 4,6% trong 2 tuần đầu của tháng 3, trong khi con số của tháng 2 là -9,3% so với tháng trước."
Áp lực đè nặng đối với nền kinh tế Trung Quốc do dịch bệnh đã lây lan ra các quốc gia khác có thể sẽ khiến quốc gia này gặp khó khăn hơn trong quá trình đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP. Cuộc họp thường niên công bố số liệu trên đã bị hoãn lại do dịch bệnh lây lan, nhưng giới chức vẫn cho biết Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Theo Bruce Pang – trưởng nhóm nghiên cứu chiến lược vĩ mô tại China Renaissance, việc duy trì mục tiêu tăng trưởng và số liệu việc làm ổn định – vốn là "chìa khoá" để kích thích nền kinh tế, chi tiêu vốn của doanh nghiệp và chi tiêu tiêu dùng, sẽ ảnh hưởng đến quyết định của giới chức trong việc thúc đẩy mức tăng trưởng GDP nhất định.
Ông chỉ ra rằng tại cuộc họp hồi tuần trước của Văn phòng Quốc vụ Viện Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hay thấp một chút trong năm nay không phải là vấn đề quá lớn, miễn là thị trường việc làm vẫn ổn định. Pang nhận định: "Chúng tôi cho rằng lời phát biểu có phần ‘nhẹ nhàng’ hơn về mục tiêu tăng trưởng cho thấy các nhà hoạch định chính sách chấp nhận việc GDP năm 2020 sụt giảm và nguyên nhân là do cú sốc từ dịch bệnh."
Tham khảo CNBC