MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế trong bão Covid-19, ngân hàng báo lãi ‘khủng’: Góc nhìn mới về lợi nhuận ngân hàng và điều sắp xảy ra

Kinh tế trong bão Covid-19, ngân hàng báo lãi ‘khủng’: Góc nhìn mới về lợi nhuận ngân hàng và điều sắp xảy ra

Trao đổi với Trí thức trẻ, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) đã chia sẻ quan điểm về phía sau câu chuyện ngân hàng báo lãi lớn cũng như các biện pháp can thiệp thời khủng hoảng.

Kinh tế trong bão Covid-19, ngân hàng báo lãi ‘khủng’: Góc nhìn mới về lợi nhuận ngân hàng và điều sắp xảy ra - Ảnh 1.

Trong lúc doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều báo lãi lớn, thậm chí còn lập kỷ lục. Theo ông, việc này nên được nhìn nhận ra sao?

Lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong cơn bão Covid-19 đúng là cao nếu nhìn theo con số tuyệt đối, cả nhiều nghìn tỷ đồng. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác thì lợi nhuận đó không phải quá cao. Lợi nhuận các NHTM so với vốn chủ sở hữu hay với tổng tài sản (ROE và ROA) thường nhỏ so với ngành nghề, lĩnh vực khác. Có thể phần nào thấy điều đó qua các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Hơn thế, hệ thống NHTM Việt Nam chưa phải là quá mạnh, dù đã thoát ra được vũng lầy quá khứ, trở nên lành mạnh hơn nhiều sau cải tổ, xử lý nợ xấu bắt đầu từ 2013. Thế nhưng, các NHTM yếu kém vẫn còn và cũng rất khó khăn trong việc xử lý triệt để. Ngoài ra, quá trình đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế như Basel II (chưa nói Basel III) của các NHTM Việt Nam nói chung còn chậm; trong đó có đòi hỏi về tăng vốn thì kể cả những NHTM được coi là lành mạnh cũng còn phải cố gắng.

Thứ nữa, dịch bệnh diễn biến phức tạp đang và sẽ làm gia tăng nợ xấu. Chính sách cho phép giãn hoãn, giữa nguyên nhóm nợ "hạn chế" phần nào nguy cơ này. Song dù thế nào, các NHTM cũng phải lập dự phòng rủi ro và dự trù sẵn cho rủi ro này, nên thực chất lợi nhuận có thể chưa hẳn đã như vậy.

Nhìn tổng thể, trong vô vàn khó khăn, hệ thống NHTM vững là một tín hiệu tích cực. Hệ thống này mà có vấn đề lớn thì kinh tế càng nguy. Việc nhiều NHTM có lãi cũng là một điều kiện tốt để việc chia sẻ giữa NHTM với DN thuận lợi hơn. Đây là điều rất đúng, rất quan trọng vì DN và NHTM là thực thể cộng sinh với nhau. Doanh nghiệp có sống thì NHTM mới sống được.

Kinh tế trong bão Covid-19, ngân hàng báo lãi ‘khủng’: Góc nhìn mới về lợi nhuận ngân hàng và điều sắp xảy ra - Ảnh 2.

Theo ông, trong bối cảnh khủng hoảng, các ngân hàng thương mại nên điều chỉnh cho vay sao cho hợp lý để có thể thực hiện "mục tiêu kép": đảm bảo ngân hàng cân đối được rủi ro và vẫn hỗ trợ được doanh nghiệp?

Ngay trong điều kiện bình thường, DN, nhất là DN nhỏ và vừa, cũng không "dễ" vay tiền ngân hàng. Để đảm cân bằng lợi ích NHTM và DN, việc tiếp cận tín dụng cần quan tâm 2 điều - tiêu chuẩn vay và quy trình vay. Cái chúng ta đang cố cải thiện là quy trình, làm thế nào để quy trình đơn giản hơn, giảm thiểu chi phí giao dịch cho cả hai bên. Còn tiêu chuẩn phải thay đổi như thế nào lại là câu chuyện khó, nó liên quan đến cả việc cân bằng lợi ích ngân hàng - người vay (DN) và chuyện an toàn của NHTM và lớn hơn là cả hệ thống ngân hàng.

Chính vì vậy, ở mức độ rất lớn đây là câu chuyện chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Trên thực tế, để hỗ trợ DN, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép NHTM hoãn gián, giữ nguyên nhóm nợ đối với các DN gặp khó thời Covid-19.

Trong phạm vi tiêu chuẩn do Ngân hàng Nhà nước "ấn định", giám sát, bản thân NHTM cũng có vai trò rất có ý nghĩa. Mỗi NHTM có cách đánh giá của mình về độ rủi ro, triển vọng SXKD từng DN khách hàng và qua đó, có chính sách cho vay riêng. "Rủi ro cao, lợi tức cao"; thị trường với muôn vàn sắc thái mà. Và không ai hiểu DN khách hàng hơn NHTM.

Kinh tế trong bão Covid-19, ngân hàng báo lãi ‘khủng’: Góc nhìn mới về lợi nhuận ngân hàng và điều sắp xảy ra - Ảnh 3.

Có ý kiến cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại trong giai đoạn này "như muối bỏ bể", mức giảm 0,5% - 1% sẽ không đủ tháo gỡ khó khăn trong khi thủ tục để được giảm lại rất khắt khe. Ông có nhận xét gì về điều này, có giải pháp nào khắc phục được tình trạng đó hay không?

Đúng và là điều chính đáng DN luôn mong càng giảm nhiều lãi suất cho vay thì càng tốt. Nhưng như đã nêu, câu chuyện không đơn giản, vì phải đảm bảo cân đối lợi ích NHTM - DN, an toàn hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô. Các NHTM đã giảm 0,5% - 2% lãi suất cho vay và hiện vẫn đang nỗ lực giảm thêm ít nhiều.

Hãy thử hình dung dù chỉ giảm 0,5% hay 1% lãi suất của chỉ một, hai triệu tỷ trong tổng số hơn 9 triệu tỷ đồng tín dụng hiện hữu, chưa nói của hàng trăm nghìn hay cả triệu tỷ đồng khoản cho vay mới thì con số hỗ trợ là không nhỏ.

Hiện Ngân hàng nhà nước đã cho phép giãn, hoãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với DN khách hàng khó khăn do đại dịch Covid-19 kéo dài đến giữa năm 2022. Ngân hàng nhà nước cũng có cây gậy (gắn với định mức tín dụng) để buộc NHTM phải giảm lãi suất thực chất.

Trong đó, điều quan trọng là DN phải thực sự được vay, Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất là DN thực sự tiếp cận được tín dụng. Cái này còn quan trọng hơn cả giảm lãi suất, dù như đã nói đây cũng là điều có ý nghĩa.

Kinh tế trong bão Covid-19, ngân hàng báo lãi ‘khủng’: Góc nhìn mới về lợi nhuận ngân hàng và điều sắp xảy ra - Ảnh 4.

Theo các nghiên cứu của ông, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, chính sách các quốc gia khác có "ép" NHTM phải giảm lãi suất cho vay không?

Điều này còn phụ thuộc vào tùy nhóm nước. Nói chung các quốc gia phát triển họ sẽ không ép. Rõ nhất là NHTW Mỹ, châu Âu, họ sử dụng nhiều cách can thiệp gián tiếp thông qua các công cụ chính sách tiền tệ, thay đổi cung tiền và qua đó lãi suất thị trường.

Trong điều kiện khủng hoảng họ cũng có thể sử dụng các biện pháp "bất thường hơn" như mua tài sản (trái phiếu) chính phủ định kỳ, mua tài sản doanh nghiệp… nhưng hạn chế và có lộ trình chấm dứt theo một số điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường lao động.

Còn với nước đang phát triển, NHTW chưa có tính độc lập cao, các công cụ chính sách tiền tệ và thị trường tiền tệ chưa thật phát triển, can thiệp trực tiếp thường mạnh và nhiều hơn, mang tính hành chính, áp đặt hơn.

Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong đổi mới chính sách tiền tệ theo hướng gắn với một Ngân hàng Nhà nước tự chủ, có đầy đủ các công cụ để thực thi chính sách tiền tệ hiệu quả. Nhưng đó là cả quá trình.

Hiện Ngân hàng nhà nước vẫn "phải" đang sử dụng một số biện pháp hành chính. Ví dụ như áp trần tín dụng đối với NHTM và trần lãi suất đối với tiền gửi dưới 6 tháng.

Hồng Nhuận. Thiết kế: Hương Xuân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên