Kinh tế Trung Quốc xác xơ vì thương chiến, hàng loạt chỉ số chạm đáy
Trong tháng 10, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với dự báo. Lực cầu cả ở nội địa và thế giới đều yếu ớt và cuộc chiến thương mại kéo dài dai dẳng đang đè nặng lên các hoạt động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
- 06-11-2019Xuất hiện "kẻ thù nguy hiểm" khiến cả Mỹ lẫn Trung chấp nhận buông vũ khí thương chiến
- 31-10-2019Chiến tranh thương mại tạm lắng nhưng phe diều hâu trong chính quyền Trump đang ráo riết thúc đẩy một cuộc chiến khốc liệt hơn nhiều lần
- 30-10-2019Không phải chiến tranh thương mại hay tự động hóa, kinh tế Mỹ có thể suy yếu vì người Mỹ không thích sex?
Theo số liệu vừa được Tổng cục thống kê Trung Quốc công bố sáng nay (14/11), sản lượng công nghiệp tháng 10 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 5,4% được các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra trước đó.
Các chỉ số còn cho thấy những lĩnh vực khác cũng giảm tốc đáng kể và đều thấp hơn dự báo. Tốc độ tăng trưởng của doanh số bán lẻ đang ở mức gần thấp nhất 16 năm, còn tăng trưởng đầu tư tài sản cố định cũng thấp kỷ lục.
Số liệu kinh tế đáng thất vọng càng gây sức ép thôi thúc Bắc Kinh triển khai các biện pháp mới để hỗ trợ nền kinh tế. Quý III, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã thực sự tác động đến ngành sản xuất. Theo số liệu được công bố cuối tuần trước, chỉ số giá sản xuất của tháng 10 giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm trở lại đây. Chỉ số PMI cho thấy ngành sản xuất có tháng suy giảm thứ 6 liên tiếp.
Đầu tư vào bất động sản trong 10 tháng đầu năm 2019 cũng suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Martin Lynge Rasmussen của Capital Economics, sự lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 có thể giúp thúc đẩy đầu tư trong ngắn hạn, nhưng kể cả khi thỏa thuận trở thành hiện thực trong vài tháng tới, cuộc chiến sẽ bước sang những vấn đề gai góc hơn và cuối cùng sẽ dẫn đến đàm phán đổ vỡ. Do đó gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ phải tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm suy yếu lực cầu trên toàn cầu, khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn và làm chao đảo các thị trường tài chính. Mặc dù gần đây một số dấu hiệu tích cực trong đàm phán thương mại đã giúp thị trường khởi sắc, quan chức của cả hai phía vẫn chưa dám đưa ra bất kỳ cam kết chắc chắn nào về kết cục của cuộc chiến.
Và sự thiếu chắc chắn đó tiếp tục đè nặng lên các nhà sản xuất cũng như khách hàng của họ.
Đầu tư tài sản cố định – một động lực chủ chốt của tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng 5,2% trong 10 tháng đầu năm, so với mức dự báo 5,4%. Đây cũng là mức thấp kỷ lục kể từ năm 1996, khi Reuters bắt đầu theo dõi số liệu này.
Đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân (chiếm 60% tổng mức), tăng trưởng 4,4%.
Hôm qua, Chính phủ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ hạ yêu cầu về tỷ lệ vốn tối thiểu cho một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.
Doanh số bán lẻ tháng 10 tăng trưởng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo 7,9% và bằng với mức thấp nhất 16 năm được lập hồi tháng 4.
Vài tháng gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá thực phẩm tăng cao vì thịt lợn khan hiếm. Bên cạnh đó, họ cũng ngần ngại không muốn chi các khoản lớn. Doanh số ô tô đã sụt giảm 16 tháng liên tiếp.