Kinh tế trưởng MBS: Chỉ cần chờ nhịp chỉnh, mua cổ phiếu đầu ngành thuộc nhóm ngân hàng và chứng khoán là có thể hưởng quả ngọt
Chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán đã tạo đáy và sẽ tiếp tục đi lên trong năm nay. Nhóm chứng khoán và ngân hàng là 2 nhóm được hưởng lợi nhiều nhất từ việc giảm lãi suất.
- 24-06-2023Khối ngoại bán ròng loạt cổ phiếu ngân hàng tuần qua
- 22-06-2023Chứng khoán tạo đáy theo lãi suất, cổ phiếu ngân hàng sẽ lên cao?
- 20-06-2023Nhiều cổ phiếu ngân hàng đảo chiều tăng mạnh vào cuối phiên, VCB của Vietcombank lại mất mốc 100.000 đồng/cp
-
Với nhịp tăng mạnh như vừa qua, những mã cổ phiếu ngân hàng đã tham gia quá nhiều vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chịu sức ép giảm NIM trong thời gian tới có thể được đem ra xem xét để bán chốt lời, cơ cấu lại. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể chọn thời điểm tốt để quay trở lại với những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt
-
Xu hướng giảm của cổ phiếu ngân hàng có thể đến từ lo ngại của nhà đầu tư đối với tỷ suất lời các nhà băng khi lạm phát có xu hướng gia tăng
Ngân hàng và chứng khoán sẽ hưởng lợi trước tiên từ việc hạ lãi suất
Tại chương trình “Tiêu điểm chứng khoán cuối tuần: Chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2023”, do công ty chứng khoán MB (MBS) tổ chức mới đây, ông Hoàng Công Tuấn, kinh tế trưởng MBS đã có những đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán, cũng như dư địa tăng trưởng của riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng trong những tháng cuối năm.
Theo đó, về triển vọng kinh tế toàn cầu, kinh tế trưởng MBS cho rằng, lạm phát tại các nền kinh tế đầu tàu đã hạ nhiệt, áp lực tăng lãi suất thời gian tới không còn nhiều. Nền kinh tế thế giới trong dài hạn sẽ vẫn tăng trưởng.
Với kinh tế Việt Nam, ông Tuấn cho rằng, sẽ có 3 động lực chính thúc đẩy GDP tiếp tục tăng trưởng đó là: 1) lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; 2) đẩy mạnh đầu tư công; 3) các chính sách tài khóa đang được đưa ra nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế.
Tuy nhiên, đang có 3 trở lực chính đối với sự hồi phục của nền kinh tế là: 1) Xuất khẩu suy giảm do nhu cầu thế giới phục hồi yếu; 2) lạm phát và lãi suất ở các nước trên thế giới vẫn đang neo ở mức cao, khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu; 3) khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục kéo dài.
Về thị trường chứng khoán, Kinh tế trưởng MBS cho rằng năm nay thị trường chứng khoán sẽ vẫn tăng trưởng và có thể đạt mốc 1.160 điểm (± 15 điểm) vào cuối năm.
“Thị trường chứng khoán đã tạo đáy một cách rõ ràng và nhà đầu tư không nên quá bi quan dẫn đến đánh mất những cơ hội. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên quá lạc quan, vì thị trường vẫn có một số những trở ngại nhất định. Trong 2 năm tới thị trường sẽ trong một pha đi lên, song đà tăng sẽ có phần tương đối chậm. Vì lượng cung của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản hiện đang khá nhiều”, ông Hoàng Công Tuấn nhận định.
Với riêng nhóm ngân hàng, chuyên gia từ MBS cho rằng các động thái giảm lãi suất điều hành sẽ tạo dư địa cho việc hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn, qua đó cải thiện nhu cầu tín dụng. Ngoài ra, hành động trên của Ngân hàng Nhà nước cũng giúp cho biên lợi nhuận thuần của các ngân hàng có khả năng cải thiện trong nửa cuối năm. Nhìn chung, ngành ngân hàng trong năm 2023 có thể có sự phân hóa, khi các nhà băng có bộ đệm dự phòng, chất lượng tài sản tốt sẽ có được lợi thế vững chắc hơn trước những khó khăn của nền kinh tế trong năm nay.
“Ngân hàng và chứng khoán là một trong những ngành được hưởng lợi từ việc hạ lãi suất. Nhà đầu tư chỉ cần chờ những nhịp chỉnh tốt để mua những cổ phiếu đầu ngành thuộc những lĩnh vực này thì sẽ được hưởng quả ngọt”, ông Hoàng Công Tuấn đánh giá.
Nói thêm về nhóm chứng khoán, ông Tuấn kỳ vọng lãi suất giảm sẽ dần thẩm thấu vào nền kinh tế thực trong nửa cuối năm. Từ đó thanh khoản của thị trường chứng khoán sẽ gián tiếp được hỗ trợ tích cực. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp phục hồi lợi nhuận và lãi suất thấp có thể khiến kênh đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn.
Nhiều ngành khác cũng đang ẩn chứa tiềm năng
Ngoài hai ngành trên, Kinh tế trưởng MBS cũng có đánh giá tiềm năng của ngành chứng khoán, thép, bán lẻ, thủy sản, dệt may, xây lắp hạ tầng, đá và hạ tầng năng lượng.
Theo đó, sự tan băng trên thị trường bất động sản cùng sự nỗ lực thúc đẩy đầu tư công đang được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực lên các cổ phiếu thuộc nhóm ngành thép.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công đang được chuyên gia từ MBS kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên nhóm xây lắp hạ tầng, đá, hạ tầng năng lượng.
Bên cạnh đó, các hoạt động xuất khẩu ấm dần lên, thu nhập hộ gia đình hồi phục, các điều kiện tín dụng và lãi suất dần nới lỏng có thể sẽ là những chất xúc tác tốt đối với sự hồi phục kết quả kinh doanh của các nhóm ngành bán lẻ, thủy sản, dệt may.
Nhìn chung, chuyên gia từ MBS cho rằng những tháng cuối năm, nền kinh tế trong và ngoài nước sẽ bớt những mảng xám. Thị trường chứng khoán vẫn sẽ tăng điểm, song đà tăng sẽ tương đối chậm. Những ngành như ngân hàng chứng khoán sẽ là nhóm được hưởng lợi trước tiên từ việc giảm lãi suất. Ngoài ra, còn nhiều cổ phiếu thuộc các lĩnh vực khác như thép, bán lẻ, thủy sản, dệt may, xây lắp hạ tầng, đá và hạ tầng năng lượng có thể có một số triển vọng, nhờ vào sự trợ lực từ việc lãi suất giảm, nhu cầu tiêu dùng phục hồi, đầu tư công được đẩy mạnh…
Ông Hoàng Công Tuấn cũng lưu ý, năm 2023 là một năm thị trường chứng khoán điềm đạm, nhà đầu tư vẫn phải có sự cẩn trọng khi đầu tư.
Nhịp sống Thị trường