Kinh tế trưởng MBS: "Trong điều kiện bình thường, P/E thị trường quanh mức 15 lần thì đó chính là đáy"
Theo chuyên gia, nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của công ty chứ không sở hữu cả thị trường, không phải thị trường tăng là chúng ta có lãi. Điều quan trọng là nhà đầu tư có nắm được cổ phiếu tốt và tăng trưởng trong tương lai không.
- 23-04-2022Agriseco điểm tên 5 cơ hội đầu tư cổ phiếu tốt đang bị bán quá đà
- 21-04-2022Thị trường liệu đã tạo đáy sau 6 phiên liên tiếp giảm sâu?
- 19-04-2022"Rơi" gần 100 điểm từ vùng đỉnh đầu tháng 4, VN-Index liệu có bước vào giai đoạn downtrend?
Thị trường tuần qua vừa trải qua những biến động lớn, VN-Index VN-Index rớt 150 điểm, vốn hoá HOSE bốc hơi 26 tỷ USD từ đỉnh. Tuy thị trường đã phục hồi nhẹ vào phiên cuối tuần, song sự rung lắc mạnh trong phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn khá nặng nề.
Đánh giá về thị trường trong buổi chia sẻ mới đây, ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS cho rằng dù nhà đầu tư trong nước bán mạnh, song khối ngoại lại có xu hướng mua ròng trong 4/5 tuần gần đây. Ngay cả trong tuần thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục gom cổ phiếu. Vị chuyên gia tin rằng xu hướng mua ròng của khối ngoại tiếp tục tích cực trong quý 2 và quý 3 năm nay.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), để đánh giá được xu hướng thị trường có thể điểm qua một vài nhịp giảm trong quá khứ. Theo đó, thị trường từng chứng kiến 4 nhịp giảm mạnh trong những năm gần đây. Đầu tiên là nhịp giảm năm 2018 khiến thị trường mất 25% kể từ đỉnh; thứ hai là cú rơi hơn 30% của VN-Index khi mới xảy ra dịch Covid. Ngay trong một năm tuyệt vời của chứng khoán như năm 2021, thị trường cũng có 2 nhịp giảm vào tháng 1 và tháng 7 khi mất lần lượt 17% và 14,2%.
"Nhiều người đặt câu hỏi liệu thị trường có giảm như năm 2018 không, tôi khẳng định là không. Bởi bối cảnh năm 2018 thị trường rất khác so với thời điểm hiện tại. Thứ nhất, mức định giá thị trường năm 2018 khá đắt khi P/E lên đến 22 lần, trong khi vừa trải qua năm 2017 tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 55%. Thời điểm hiện tại, thị trường vẫn được định giá hấp dẫn, cùng với đó chất lượng thị trường cũng thay đổi với lượng lớn nhà đầu tư mở mới lớn và thanh khoản bùng nổ. Do đó, mức độ bong bóng của thị trường năm 2018 cao hơn rất nhiều", ông Hoàng Công Tuấn phân tích.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, chính đợt điều chỉnh giảm sâu trong tuần qua khiến định giá của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, P/E thị trường là 15,4 lần, so với các nước trong khu vực là rất hấp dẫn. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế đều đánh giá tăng trưởng của Việt Nam sẽ dẫn đầu Đông Nam Á trong năm nay.
"Có một điều các bạn cần lưu ý, từ năm 2015 đến nay, trong điều kiện bình thường bất cứ khi nào thị trường chạm mức P/E 15 hoặc quanh vùng 15 thì đó chính là đáy. Tôi nhấn mạnh là trong điều kiện bình thường, trừ thời điểm xảy ra dịch Covid bởi dịch bệnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Trừ trường hợp đó, trong những nhịp điều chỉnh khác, P/E thị trường không bao giờ "thủng" mốc 15x. Do đó, có thể nói đây là mức P//E hỗ trợ rất mạnh của giá cổ phiếu, đó là điểm nhà đầu tư cần lưu ý", Kinh tế trưởng MBS nhận định.
Theo chuyên gia, áp lực tâm lý của nhà đầu tư có thể không phải đến từ những lo ngại về thông tin tiêu cực gần đây, mà là do biến động giá cổ phiếu. Nếu trong tuần sau, cổ phiếu hồi phục mạnh thì có thể những thông tin nhà đầu tư đang lo ngại hiện tại sẽ không còn gì. Sau những nhịp điều chỉnh, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục đi lên mạnh mẽ. Do đó, trong bối cảnh hiện tại, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư không nên quá bi quan về thị trường. Thị trường đi lên là nhờ kinh tế vĩ mô ổn định cũng như nền tảng nội tại của doanh nghiệp chứ không phải từ những thông tin đồn đoán. Do đó, dù thi trường đối mặt với những cú giảm sốc, nhiều nhà đầu tư có tầm nhìn, bản lĩnh vẫn sẽ chiến thắng và hái được quả ngọt.
"Nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của công ty chứ không sở hữu cả thị trường, không phải thị trường tăng là chúng ta có lãi. Điều quan trọng là nhà đầu tư có nắm được cổ phiếu tốt và tăng trưởng trong tương lai không", chuyên gia MBS đánh giá
Nhìn về cơ hội đầu tư, vị chuyên gia đưa ra hai nhóm ngành triển vọng. Thứ nhất, nhóm ngành chứng khoán, bởi dù thị trường sụt giảm, song các công ty chứng khoán báo cáo quý 1 tăng trưởng khá khả quan. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường vẫn ở mức tốt so với cùng kỳ năm trước và môi trường kinh doanh vẫn thuận lợi. Tuy nhiên nhà đầu tư cần lưu ý lựa chọn những công ty chứng khoán tập trung hoạt động dịch vụ chứ không chỉ có lãi nhờ hoạt động tự doanh.
Thứ hai, nhóm ngành điện cũng được dự báo phục hồi mạnh sau nền thấp từ Covid. Mức độ tăng huy động ngành điện quý 1 vừa rồi là 8,5%, cao hơn nhiều so với mức trên 3% vào năm trước. Do đó, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân vào những cổ phiếu trong ngành này.