Kinh tế trưởng Mekong Economics: Cách Việt Nam đối phó đại dịch Covid-19 báo hiệu cho thế giới đây không còn là quốc gia đang phát triển nữa!
Sau một số thành công ban đầu trong công cuộc chống lại Covid-19, giờ đây Việt Nam đang bắt đầu mở cửa kinh tế trở lại.
- 25-04-2020VNDIRECT: Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc
- 25-04-2020Thủ tướng đưa ra hàng loạt biện pháp tiếp theo để chống dịch Covid-19 trong tình hình mới
- 25-04-2020ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á trong Covid-19, dự kiến lên 6,8% năm 2021
- 25-04-2020Mưu sinh trong mùa dịch, nhiều người phải tạm thời đổi nghề
0 người chết
Nỗ lực căng mình của Việt Nam chống Covid-19 dường như đã được đền đáp. Chỉ với 270 trường hợp nhiễm bệnh và không có trường hợp tử vong nào liên quan đến Covid-19, Việt Nam đang nới lỏng các quy tắc phòng dịch ở hầu hết các tỉnh/thành phố, cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại.
Có một số người hoài nghi về số lượng người nhiễm virus thấp tại Việt Nam: Đến ngày 21/4, tỷ lệ xét nghiệm virus tại Việt Nam là khoảng 1.881 trên một triệu người, so với khoảng 7.500 ở Singapore.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Việt Nam đã giành được sự khen ngợi từ các cơ quan quốc tế như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới và khác hẳn với Singapore và Indonesia gần đó, nơi các lệnh hạn chế di chuyển đang được kéo dài thêm khi các số lượng trường hợp dương tính với Covid-19 tiếp tục tăng đột biến.
"Việt Nam từng phải đối phó với SARS, cúm gia cầm và các cuộc khủng hoảng tài chính khác nhau", ông Fred Burke, giám đốc quản lý tại công ty luật Baker McKenzie TP.HCM, cố vấn cho chính phủ về các quy tắc đầu tư nước ngoài. "Họ đã học được rằng họ cần phải hành động nhanh chóng và kỹ lưỡng. Quốc gia này đã đủ điều kiện để phục hồi trở lại."
Người chiến thắng trong chiến tranh thương mại
Việt Nam đã là một quốc gia ưa thích cho các nhà đầu tư nước ngoài – những người đang tìm kiếm một trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc sau những căng thẳng thương mại leo thang giữa Hoa Kỳ và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam hiện nay là lấy bước đà đó để làm nền móng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng 7,2% trong năm ngoái, với 24,6 tỷ USD chảy vào ngành sản xuất. Điều đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên 7,02%, tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai kể từ năm 2007.
Theo ông Vũ Tú Thành, phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết Trung Quốc bị nhiều công ty nước ngoài coi là có dân số già và ngày càng đắt đỏ. Ngược lại, tác động từ virus lên Trung Quốc lại khiến Việt Nam trông hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp.
Rủi ro vẫn còn
Nhật Bản - nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam trong quý I với khoản đầu tư 848 triệu đô la - tuyên bố hồi đầu tháng này rằng họ đã dành 2,2 tỷ đô la cho gói kích thích kinh tế để khuyến khích các nhà sản xuất chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Theo ông Fred Burke, Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi.
Nói một cách chính xác thì Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi Covid-19. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã cảnh báo vào thứ Sáu rằng Việt Nam vẫn có nguy cơ cao bùng phát dịch.
Việt Nam cũng phải chuẩn bị cho sự sụt giảm kéo dài trong nhu cầu toàn cầu. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu - chiếm tới hơn 100% GDP. Trong quý I, mức tăng trưởng đã chậm lại tới 3,82%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến tỷ lệ này còn có thể suy yếu tới 2,7% cho cả năm.
Việc nới lỏng các hạn chế cũng không có nghĩa là cuộc sống sẽ trở lại bình thường.
"Đối với các doanh nghiệp mới, lệnh phong tỏa đang chưa được nới lỏng hoàn toàn", Gareth Leather, một chuyên gia kinh tế tại Capital Economics Ltd. ở London. "Hơn nữa, mọi người sẽ không quay trở lại với các thói quen trước khủng hoảng của mình. Nỗi sợ bị nhiễm virus làm cho mọi người tiếp tục thực hiện cách ly xã hội trong một thời gian nữa."
Chính phủ Việt Nam tin rằng những động thái chặt chẽ để đối phó với virus sẽ có thể làm giảm các "va chạm" từ Covid-19 tới nền kinh tế. Ông Adam McCarty, nhà kinh tế trưởng Mekong Economics tại Hà Nội cho biết trong khi các nhà máy chờ đợi nhu cầu toàn cầu quay trở lại, nền kinh tế nội địa của đất nước sẽ bắt đầu hồi sinh.
"Cách Việt Nam xử lý con virus này đang báo hiệu cho phần còn lại của thế giới rằng đây không còn là một quốc gia đang phát triển nữa", ông nói. "Họ đã cho thấy Việt Nam có một sự tinh tế sâu sắc trong cách xử lý các vấn đề."