MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế trưởng World Bank Việt Nam: Cơn bão đang phủ lên nền kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam thì đang có mặt trời chiếu sáng!

"Việt Nam đang có tính cạnh tranh cao hơn trên bình diện toàn cầu. Nền kinh tế cũng đang tăng trưởng ổn định", ông Jacques Morisser, Kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam nhận xét.

Jacques Morisser vừa nhận nhiệm vụ ở Việt Nam khoảng 2 tháng, thay thế cho người tiền nhiệm Sebastian Eckardt. "Tôi có may mắn được làm việc với hai nền kinh tế thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới", ông nói. Ngoài Việt Nam, quốc gia còn lại được ông nhắc đến là Côte d’Ivoire –với GDP trên 7%.

Chỉ vào bìa báo cáo "Cập nhật kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương" với ảnh minh hoạ một thành phố với những đám mây màu xám bao phủ, ông Jacques Morisser nói rằng kinh tế toàn cầu đang trong cơn bão. "Tuy nhiên, Việt Nam lại có mặt trời chiếu sáng", ông nhận định một cách hình tượng.

Kinh tế trưởng World Bank Việt Nam: Cơn bão đang phủ lên nền kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam thì đang có mặt trời chiếu sáng! - Ảnh 1.

Chỉ số vĩ mô của Việt Nam cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng cao và ổn định. Động lực của tăng trưởng theo chuyên gia của World Bank đến từ cầu tiêu dùng trong nước rất lớn. Việt Nam cũng đang phát triển theo hướng hiện đại hoá.

Mặt khác, chuyên gia của World Bank nhận xét các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bị hấp dẫn với đất nước hình chữ S khi số liệu thống kê vốn đầu tư không ngừng tăng lên. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cũng rất tốt, nhất là với thị trường Mỹ - ông Jacques Morisser nói.

Với những quan sát này, ông nhận định: "Việt Nam đang có tính cạnh tranh cao hơn trên bình diện toàn cầu", dù vậy, ông cũng không "lờ đi" những rủi ro mà nền kinh tế 96 triệu dân có thể phải đối mặt.

Đơn cử như vấn đề xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng. Dữ liệu mới nhất từ Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ cho biết Việt Nam đã nhảy từ vị trí thứ 12 lên thứ 7 trong danh sách các nhà cung cấp hàng đầu cho Mỹ với mức tăng 34%, tương đương 10,9 tỷ USD. Đây là một tin tích cực nhưng ở một khía cạnh khác, Việt Nam cần phải kiểm soát chặt chẽ và có những hành động chính sách phù hợp, theo Jacques Morisser.

"Khi thặng dư thương mại với Mỹ tăng lên, Việt Nam còn có thể trở thành đối tượng của các biện pháp thuế quan và bảo hộ thương mại khác của Mỹ", báo cáo của World Bank chỉ rõ điều này nhằm nhắc nhở Việt Nam cần lưu ý những nguy cơ trong lợi ích mà họ đang có.

Tuy nhiên, ông Jacques Morisser cũng nhìn nhận: "Chính phủ Việt Nam rất thông minh, họ luôn cẩn trọng và tạo ra được vùng đệm an toàn để tự vệ và dành dụm cho những ngày khó khăn. Do đó, Việt Nam vẫn luôn có động lực tăng trưởng mạnh mẽ".

Trong báo cáo của World Bank, cập nhật ngày 10/10, tổ chức này giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 là 6,6%, vẫn trong chỉ tiêu của Quốc hội. Tốc độ tăng trưởng dự kiến tiếp tục giảm đà trong 2 năm tiếp theo là 2020 và 2021 với con số bền vững hơn là 6,5%. Lạm phát được dự báo ở mức 3%, thấp hơn chỉ tiêu 4% được Việt Nam đặt ra.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên