Kinh tế tuần hoàn: Nhìn từ các nước để “soi” lợi thế, khó khăn tại Việt Nam
Kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng bắt buộc của các quốc gia. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.
- 19-12-2024Đặt mục tiêu GRDP bình quân lên đến 14.000 USD/người vào năm 2030, kinh tế thành phố chiếm 16% GDP Việt Nam tăng trưởng thế nào trong năm 2024?
- 18-12-2024Xô đổ mọi kỷ lục, nền kinh tế Việt Nam sẽ ghi nhận điều chưa từng có
- 18-12-2024Tỉnh tăng trưởng kinh tế cao nhất nước thưởng Tết bao nhiêu?
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường đặt ra cấp bách, thế giới tập trung mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng bắt buộc của các quốc gia. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bài học kinh nghiệm từ các nước
Trong vài năm gần đây, kinh tế tuần hoàn được chú ý trên toàn thế giới và nhiều nước đã thực hiện thành công mô hình này. Đơn cử như Trung Quốc. Là một trong những quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến ô nhiễm môi trường do có lượng rác thải lớn nhất thế giới. Theo thống kê, mỗi năm, Trung Quốc thải ra hàng trăm triệu tấn chất thải. Do đó, từ năm 2000, Trung Quốc đã xây dựng nhiều chính sách và quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn được thực hiện ở ba cấp độ: vi mô, trung mô và vĩ mô đề cập đến cấp độ doanh nghiệp, quan hệ giữa các doanh nghiệp và khu công nghiệp sinh thái, cấp độ thành phố sinh thái, tỉnh và khu vực. Các chính sách đa cấp ở Trung Quốc thường được xây dựng và thực hiện thông qua cách tiếp cận từ trên xuống, từ chính quyền trung ương đến các tỉnh, thành phố và nhà máy thông qua việc đặt mục tiêu, tạo chỉ số cho các ngành khác nhau và thử nghiệm với nhiều thí điểm khác nhau.
Một ví dụ khác là Nhật Bản. Trong những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nhà sản xuất sản phẩm nhựa lớn nhất nên ô nhiễm chất thải nhựa là một vấn đề môi trường lớn đối với nước này. Nhật Bản đã sớm định hướng chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn từ năm 1991 với mục tiêu trở thành một “xã hội dựa trên tái chế”. Năm 1995, Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Tái chế bao bì nhằm phân loại chất thải, thu gom chất thải đã phân loại, tái chế thùng chứa và chất thải bao bì. Nhật Bản thúc đẩy sáng kiến “3R” và ban hành Luật Khuyến khích và tái chế rác thải nhựa. Đến nay, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã hướng tới việc giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần thông qua việc thay đổi bằng vật liệu khác hoặc cắt giảm số lượng; thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm giấy, đặc biệt là vật liệu đóng gói, thân thiện với môi trường. Tại Nhật Bản, giấy là một trong những loại rác thải có tỉ lệ tái chế cao nhất, lên tới 79%. Nhật Bản cũng trở thành quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về quản lí rác thải nhựa, với tỉ lệ tái chế nhựa lên đến 85%.
Còn ở Đông Nam Á, Thái Lan đang thúc đẩy mô hình kinh tế Sinh học - Xanh - Tuần hoàn khuyến khích áp dụng các kỹ thuật tiên tiến giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm mà không hoặc chỉ có tác động tối thiểu tới môi trường. Với mục tiêu đạt được mức độ trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, Thái Lan đang nỗ lực hành động để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng cách áp dụng mô hình BCG và coi đây một con đường hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Tất cả những kinh nghiệm và thành quả của các nước đi trước trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn đều để lại nhiều bài học kinh nghiệm và phương hướng, con đường cho Việt Nam.
Ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP vào năm 2035. Nước ta nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Dự báo, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 11% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” cần được coi là một ưu tiên trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đã và đang được quan tâm đặc biệt trong những năm gần đây. Nội dung về xây dựng kinh tế tuần hoàn được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên 3 trụ cột là: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái.
Để chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cần có nguồn vốn đầu tư đổi mới công nghệ
Các chuyên gia kinh tế nhận định, có thể thấy, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng chính sách, pháp lý khá đầy đủ để thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn. Hơn thế nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở ASEAN thể chế hóa quy định về kinh tế tuần hoàn trong Luật. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có môi trường phát triển kinh tế tuần hoàn.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, mà còn giúp nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế nội tại. Khi thực hiện kinh tế tuần hoàn, Việt Nam sẽ tận dụng được nguồn nguyên vật liệu, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường; giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới...
“Điều quan trọng nhất là để chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cần có nguồn vốn đầu tư đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng kéo dài vòng đời sản phẩm; thu hồi chất thải phải thiết kế lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình từ khâu đầu vào nguyên liệu. Chất thải từ sản xuất cần được thu hồi tái sử dụng, tái chế hoặc đầu vào cho hoạt động sản xuất khác, kết nối với các doanh nghiệp trong một chu trình khép kín. Hơn thế nữa, để thực hiện mô hình này, doanh nghiệp cũng cần có nhân sự có trình độ chuyên môn và thiết kế giỏi, trong bối cảnh hiện nước ta chưa có hệ thống đào tạo lĩnh vực thiết kế mô hình - đây cũng là khó khăn lớn của doanh nghiệp”, ông Hiếu phân tích thêm.
Còn theo ông Lại Văn Mạnh - Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, chính sách (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nước ta cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền và thông tin về kinh tế tuần hoàn cho toàn xã hội, nhất là đối với doanh nghiệp. Trong đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần trang bị kiến thức cho tất cả các cán bộ, nhân viên, đối tác. Quan trọng hơn, Nhà nước cần sớm có các giải pháp để gỡ nút thắt về cơ chế, về hành lang pháp lý một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững./.
VTV