Kinh tế Việt Nam kém lạc quan hay quá thận trọng trong năm 2020?
Nhiều chỉ tiêu kinh tế đặt ra cho năm 2020 đều thấp hơn thực tế và triển vọng đạt được những năm gần đây.
Tuần qua, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, phần lớn các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra không có thay đổi đáng kể so với kế hoạch năm 2019.
Về mục tiêu tổng quát, Quốc hội thống nhất năm 2020 tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...
Về các mục tiêu kinh tế cụ thể, Quốc hội đặt chỉ tiêu GDP năm 2020 tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.
Các mục tiêu cụ thể trên được chú ý, vì hầu hết đều thấp hơn thực tiễn đạt được những năm gần đây.
Trong một báo cáo đầu tuần này, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB nêu một số câu hỏi từ so sánh trên, sau khi điểm lại ý kiến từ chính các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.
Tại sao Quốc hội quyết nghị tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ ở mức 6,8%, sau khi đã tăng trưởng 7,08% trong năm 2018 và gần như chắc chắn sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn 6,8% trong năm 2019?
Tại sao khi sau 4 năm liên tiếp cán cân thương mại xuất siêu, thậm chí dự kiến đạt kỷ lục lớn trong năm 2019, nhưng năm 2020 mục tiêu kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp tục được đặt ra?
Tại sao mục tiêu kiểm soát lạm phát tiếp tục được quyết nghị ở mức dưới 4%, dù năm 2019, lạm phát có thể được kiềm giữ ở mức dưới 3%?
Những câu hỏi trên cho thấy còn có ý kiến băn khoăn khi nhận định, Chính phủ chưa có quyết tâm cao hơn để nỗ lực lớn hơn trong phát triển kinh tế, vì thế chỉ xây dựng chỉ tiêu vừa phải để có điều kiện dễ hoàn thành trong năm 2020 (?).
Trong các ý kiến giải đáp đưa ra ở các dòng chảy thông tin, diễn đàn Quốc hội tuần qua đề cập đến những lý do khách quan và chủ quan.
Về khách quan, các chuyên gia cho rằng đây là sự thận trọng cần thiết trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, kinh tế toàn cầu cũng như trong nước đang đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Mức tăng trưởng GDP 6,8% được cho là hợp lý để bảo đảm được sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Về thương mại, Chính phủ vẫn đề xuất mục tiêu kiểm soát nhập siêu dựa trên việc thương mại toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn, thách thức…
Trong khi đó, sản xuất trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu, nhiên liệu nhập khẩu.
Về thị trường xuất khẩu, trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam thì vào EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc, duy nhất sang thị trường Mỹ tăng đột biến nhưng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro về gian lận và cảnh báo từ phía Mỹ về thâm hụt thương mại…
Hơn nữa, một yếu tố tích cực là dự kiến có dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam trong năm 2020 để đón đầu cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu, cũng như do tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung, kéo kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu tăng cao.
Về giá cả, lạm phát cao vẫn có nhiều nguy cơ quay trở lại khi giá cả, thị trường toàn cầu diễn biến khó lường…
Về chủ quan, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB nhìn lại, trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, đã không còn cụm từ “tăng trưởng nhanh”, thay vào đó đã nhấn mạnh yếu tố “phát triển bền vững”.
“Điều này cho thấy, Quốc hội định hướng Chính phủ điều hành nền kinh tế theo hướng tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thay vì tăng trưởng cao bằng mọi giá; coi trọng hơn các yếu tố chất lượng, tính bền vững, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, báo cáo của MSB nhìn nhận.
BizLive