Kinh tế Việt Nam nhiều triển vọng
Tại hội thảo Triển vọng Kinh tế Việt Nam 2017 do CLB CEO tổ chức chiều 11-11 ở TP HCM, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã có nhiều nhận định lạc quan.
- 11-11-2016Bloomberg: Kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn tăng trưởng tốt dù Donald Trump làm Tổng thống Mỹ
- 09-11-2016Donald Trump đắc cử, kinh tế Việt Nam bị tác động ra sao?
- 08-11-20163 điểm sáng ấn tượng của kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn của HSBC
Theo các chuyên gia, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng xuất khẩu cùng lượng kiều hối tăng mỗi năm là những nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng ổn định và nâng tầm trong khu vực. Ông Ashish Kanchan, Giám đốc Điều hành Công ty Kantar TNS Vietnam, cho biết kết quả khảo sát xu hướng tiêu dùng trong năm 2017 tại Việt Nam do Kantar TNS Vietnam thực hiện cho thấy các ngành có tiềm năng tăng trưởng cao như giáo dục, y tế, công nghệ, nhà hàng, khách sạn, ô tô... Những sản phẩm, dịch vụ hướng đến phục vụ đối tượng là trẻ em và người trung niên sẽ tăng trưởng tốt trong những năm tới. Ngành thực phẩm, tiêu dùng nhanh, bán lẻ... cũng có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã vượt qua thử thách của thị trường, xây dựng được những thương hiệu mạnh như Vinamilk, Vissan, Trung Nguyên, Minh Long...
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam nằm trong nhóm những nền kinh tế mới nổi thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh việc tăng năng suất lao động bởi đang ở mức rất thấp trong khu vực, kể cả Lào và Campuchia. Việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính, thuế, thủ tục giải ngân vốn… cũng cần được quan tâm để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển và năng động hơn.
Về chính sách tiền tệ, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định từ nay đến năm 2017, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát; đặc biệt chú trọng đến sự an toàn của hoạt động hệ thống ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ mở rộng tín dụng; tiếp tục ưu tiên vốn cho sản xuất, kiểm soát tốt rủi ro cho vay ở lĩnh vực bất động sản, chứng khoán…
Người lao động