Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất 10 năm qua
Lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) dự báo, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% nếu môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
- 20-12-2018Ông Trương Văn Phước nêu 4 vấn đề của kinh tế 2018, dự báo GDP 2019 tăng 7%
- 19-12-2018Độ mở lớn, chuyên gia lo về sức bật kinh tế Việt năm 2019
- 19-12-2018Thủ tướng muốn đưa 'tinh thần Park Hang-seo' vào phát triển kinh tế
Theo ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), năm 2018, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chững lại trong bối cảnh chiến tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng. Đáng chú ý, dù kinh tế Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản phát triển chậm lại nhưng riêng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và tiếp tục chứng tỏ là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế thế giới. Qua đó, giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức cao 3,7%.
Chiến tranh thương mại đã làm cho thương mại toàn cầu giảm mạnh, năm 2018 chỉ còn 4,2% và năm 2019 dự kiến chỉ tăng 4%. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô bình quân tăng trong năm qua cũng khiến lạm phát toàn cầu tăng 3,78%.
Điều đáng mừng, theo quyền Chủ tịch NFSC, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng cao nhất 10 năm qua, ước đạt 6,9-7%, nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ; nông, lâm thuỷ sản. Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ.
Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%. Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo tiến độ do thu NSNN đạt khá trong khi chi NSNN được kiểm soát, cơ cấu thu - chi cải thiện tích cực, nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây.
“Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 giảm và dự kiến đạt 61,4% do tăng trưởng kinh tế khả quan. Bên cạnh đó, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP tăng từ 48,9% năm 2017 lên 49,7% năm, chủ yếu do nợ tự vay tự trả của khu vực doanh nghiệp (DN) và tổ chức tín dụng tăng mạnh”, ông Phước cho hay.
Ngoài ra, theo ông Phước, nền tảng tài chính tiếp tục được củng cố, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cung ứng vốn của thị trường tài chính chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực ngân hàng và gia tăng vai trò của thị trường vốn. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo, lãi suất và tỷ giá ổn định.
Thị trường chứng khoán tăng trưởng vượt bậc về quy mô với mức vốn hóa thị trường đạt 75% GDP, vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2020. “Mặc dù xu hướng rút vốn diễn ra tại các nền kinh tế mới nổi, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện niềm tin của họ vào ổn định vĩ mô”, ông Phước bày tỏ.
NFSC dự báo, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% nếu môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Các chuyên gia cho biết, kinh tế Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân; tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để; chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế.
“ Tăng trưởng tín dụng xuống dưới 15% trong khi GDP lại tăng cao nhất 10 năm lại đây - đây là xu hướng tích cực của năm 2018. Cuối năm 2018 và năm 2019, việc FED điều chỉnh lãi suất, đồng Nhân dân tệ mất giá chắc chắn sẽ gây áp lực lên tỷ giá”, Giám đốc Phát triển Trường ĐH Fulllbright Việt Nam Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Tiền phong