Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới
Năm 2018, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới, theo báo cáo của Chính phủ ...
- 19-05-2019Góc nhìn của tổ chức quốc tế về những "nút thắt" của nền kinh tế Việt Nam
- 18-05-2019Kiểm tra công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
- 17-05-2019Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân
Đó là thông tin tại báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, những tháng đầu năm 2019 được Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình trình bày sáng 20/5 trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định
Về kết quả những tháng đầu năm 2019, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. Mặt bằng lãi suất ổn định, giảm 0,5% cho các lĩnh vực ưu tiên; nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tính thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; đấu tranh quyết liệt với hoạt động tín dụng đen. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với các khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường.
Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm. Cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn. Chi ngân sách nhà nước ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự tiết kiệm. Quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn bất cập.
Tăng trưởng một số ngành, lĩnh vực có xu hướng chậm lại. Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, dịch tả lợn châu Phi lan rộng và tình trạng nắng nóng, thiếu nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Giá nhiều mặt hàng nông sản thế giới và trong nước giảm, ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người dân.
Khu vực dịch vụ, du lịch, theo báo cáo, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, việc miễn thị thực, cấp thị thực điện tử, kết nối hàng không tới các thị trường trọng điểm còn hạn chế. Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực còn chậm, có nơi chưa thực sự quyết liệt. Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, khả năng huy động các nguồn lực, nhất là vốn tín dụng, đất đai, nhân lực chất lượng cao và mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp.
Vẫn ở phần hạn chế, báo cáo nêu rõ, đổi mới giáo dục đào tạo vẫn còn bất cập, còn những hành vi, vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng… gây bức xúc xã hội.
Bên cạnh đó, năng lực nghiên cứu, đề xuất chính sách chưa đáp ứng yêu cầu, còn một số quy định chồng chéo, thiếu khả thi, chậm được sửa đổi, chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống để giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc xã hội. Kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; phối hợp công tác hiệu quả chưa cao; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp ở một số địa phương, còn nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng.
Xử lý triệt để nạn tín dụng đen
Trình bày nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình khẳng định, Chính phủ kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Phát huy vai trò của tín dụng vi mô, xử lý triệt để nạn tín dụng đen. Giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Chính phủ cũng xác định tiếp tục siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, chi và từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Mở rộng cơ sở thuế, tăng cường quản lý hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức; có chính sách ưu đãi thuế phù hợp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Chú trọng chống thất thu, chuyển giá, nợ đọng thuế. Đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử. Quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Phát triển ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán.
Với cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ cho biết, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về tài chính, tín dụng, thương mại, đầu tư, công tác quy hoạch, sử dụng các nguồn lực đất đai, tài nguyên, lao động…
Giải pháp tiếp theo được đề cập là tập trung chỉ đạo thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất hơn trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém. Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ và tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ cao, phát triển đa dạng dịch vụ tín dụng, ngân hàng. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhất là đối với các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống; xử lý nghiêm những sai phạm.
Vneconomy