Kinh tế Việt Nam tiếp tục tỏa sáng
Việt Nam vẫn duy trì tốt đà phục hồi hậu COVID-19. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Tiếp tục tỏa sáng" và "có khả năng đứng đầu khu vực" là nhận định của các định chế tài chính toàn cầu đối với kinh tế Việt Nam.
- 26-07-2022Lộ diện mức lương giám đốc điều hành của các ngành, có ngành lên tới 600 triệu đồng/tháng
- 25-07-2022Những địa phương thu hút người di cư nhất có thu nhập bình quân bao nhiêu?
- 24-07-2022Những địa phương có chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ
Hiện các dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế lớn có chi nhánh tại Việt Nam đều cho rằng tăng trưởng GDP cả năm nay của Việt Nam sẽ đạt từ 6 - 6,9%. Điều đó cho thấy Việt Nam vẫn duy trì tốt đà phục hồi hậu COVID-19.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể đối mặt với rủi ro, thách thức từ nay đến cuối năm do ảnh hưởng từ những bất ổn toàn cầu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những chính sách ứng phó kịp thời và linh hoạt để đạt mục tiêu tăng trưởng.
Theo Financial Times, trong số 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam đang thuộc nhóm nước có tổng sản phẩm quốc nội tăng nhanh hơn lạm phát, cho thấy sức chống chịu tốt của nền kinh tế hình chữ S.
"Việt Nam đang ở một vị thế tốt vì Việt Nam đang sản xuất ra mặt hàng mà người dân và các công ty ở các nước khác cần. Ví dụ như các sản phẩm điện tử, thực sự rất cần thiết trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, mọi người sẽ tiếp tục đặt hàng những sản phẩm đó từ Việt Nam", ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đánh giá.
"Bên cạnh thành tựu về xuất khẩu, một tín hiệu đáng khích lệ khác là mảng nội địa cũng đang phục hồi rất nhanh, sau khi bị đình trệ trong 2 năm qua vì đại dịch COVID-19. Chúng tôi ghi nhận sự phục hồi rõ rệt nhu cầu trong nước, các dịch vụ tiêu dùng và cả dịch vụ du lịch khi các hạn chế đi lại được gỡ bỏ. Vì vậy, tôi nghĩ đối với Việt Nam, sự phục hồi toàn diện này rất có ý nghĩa", bà Yun Liu, Kinh tế gia phụ trách các thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu, Ngân hàng HSBC, nhận định.
Tuy nhiên trong báo cáo mới nhất "Kinh tế toàn cầu - triển vọng quý 3 năm 2022" của Standard Chartered đã chỉ ra 3 yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế Việt Nam, bao gồm: sự xuất hiện và lây lan của các biến chủng COVID-19 mới, việc Mỹ giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra.
"Áp lực giá cả, đặc biệt giá lương thực, thực phẩm, nhiên liệu có thể gia tăng vào giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi nhanh chóng của nhiều ngành ngay từ quý 2 vừa qua đã dẫn tới sự phục hồi chung của toàn nền kinh tế. Chúng tôi tin rằng Việt Nam vẫn giữ vững triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung hạn", bà Michelle Wee, CEO, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhận xét.
Tỷ giá USD/VND cũng đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm. Các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước chuyển sang mua bán ngoại tệ giao ngay, thay vì mua bán theo kỳ hạn, đã giúp điều tiết cung cầu, đảm bảo thanh toán ngoại tệ thông suốt.
VTV News