MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm

29-11-2022 - 17:10 PM | Xã hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết 28 nhấn mạnh việc kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 28 - Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII (Hội nghị Trung ương 6) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới (Nghị quyết 28).

Kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: Nhật Bắc

Theo đó, Nghị quyết 28 đặt mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới...

Đáng chú ý, Nghị quyết 28 nêu rõ việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ.

Về tổ chức bộ máy, Nghị quyết 28 nêu rõ việc phân cấp, phân quyền hợp lý, rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Khắc phục tình trạng cấp dưới hỏi cấp trên việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc cấp trên trả lời chung chung không rõ trách nhiệm khi có vướng mắc… Hoàn thiện cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nhất là trong các cơ quan quản lý nhà nước, những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, dễ lạm dụng quyền lực.

Về công tác cán bộ, Nghị quyết 28 đặt mục tiêu hoàn thiện quy định lựa chọn, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của các cấp ủy tổ chức đảng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định. Tổng kết việc thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ, nhất là trong đánh giá, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ.

Tiếp tục cụ thể hoá, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...

Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sửa đổi chính sách, pháp luật để liên thông cán bộ từ cấp xã tới cấp huyện, cấp tỉnh.

Đặc biệt, Nghị quyết 28 nhấn mạnh việc khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật , cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ. Tổ chức thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, góp phần bảo đảm kỷ cương, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Đồng thời, khắc phục hạn chế, yếu kém, hình thức trong đánh giá cán bộ. Đánh giá cán bộ phải toàn diện, chặt chẽ, thực chất, khách quan, nhiều chiều cùng với phẩm chất, bản lĩnh chính trị, ý thức, trách nhiệm, uy tín trong tập thể, trong nhân dân, phải đặc biệt chú trọng kỹ năng công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được giao, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở giúp cán bộ nhận diện nguy cơ, không mắc sai lầm, kịp thời khắc phục khuyết điểm. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để cấp phó, cán bộ dưới quyền trực tiếp tiêu cực, tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về việc lấy phiếu tín nhiệm trong lãnh đạo cấp uỷ, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở quan trọng cho việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt

Nghị quyết 28 cũng yêu cầu tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng trong kiểm tra, giám sát các hoạt động thuộc lĩnh vực được giao. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra của nhà nước.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, trong công tác cán bộ và vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời tổ chức đảng, đảng viên sai phạm.

Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp theo hướng liêm chính, chuyên nghiệp hơn.

Theo Thế Dũng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên