MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KKT Vũng Áng vận hành thế nào trong bối cảnh bình thường mới?

KKT Vũng Áng vận hành thế nào trong bối cảnh bình thường mới?

KKT Vũng Áng hiện có hơn 880 doanh nghiệp với gần 19.000 lao động. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiệm vụ phòng, chống dịch, đảm bảo chuỗi sản xuất đang được các Ban quản lý KKT cùng các doanh nghiệp thực hiện một cách khoa học, đồng bộ.

Sản xuất an toàn

Với đặc thù của một đơn vị sử dụng nhiều lao động (7.000 lao động), làm việc liên tục trên dây chuyền sản xuất khép kín, công tác đảm bảo an toàn, phòng dịch được Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đặt lên hàng đầu.

Ông Lý Mộc Văn - Giám đốc Trung tâm An toàn, vệ sinh môi trường FHS cho biết, thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, công ty đã thành lập trung tâm chỉ huy phòng chống dịch, lên kế hoạch ứng phó với các tình huống ở những cấp độ khác nhau. Trước diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19, FHS đã triển khai phương án "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) cho tối đa 10.500 lao động công ty và nhà thầu phụ.

KKT Vũng Áng vận hành thế nào trong bối cảnh bình thường mới? - Ảnh 1.

Formosa ưu tiên đặc biệt công tác phòng chống dịch Covid- 19 nhằm giữ vững ổn định sản xuất

Bên cạnh đó, để sớm thích ứng, duy trì sản xuất trong điều kiện dịch còn phức tạp, công ty FHS đã tập trung đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 12.000 lao động của công ty và các nhà thầu phụ. Các lao động chưa tiêm hoặc chỉ mới tiêm mũi 1 và tiêm mũi 2 chưa qua 14 ngày vẫn tiếp tục thực hiện công tác xét nghiệm sàng lọc vi-rút SARS-CoV-2 ngẫu nhiên 2 tuần/lần tối thiểu cho 5% lao động bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên để nhằm đảm bảo tối ưu công tác phòng dịch, duy trì sản xuất.

Để hoàn thành mục tiêu năm 2021 sản xuất 6,5 triệu phôi thép và tiêu thụ 6,5 triệu tấn thép thành phẩm, đạt doanh thu 3,7 tỷ USD, công ty FHS đang nỗ lực khắc phục khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, đồng thời có nhiều chính sách động viên người lao động hoàn thành tốt chỉ tiêu kinh doanh trong thời gian còn lại của năm.

KKT Vũng Áng vận hành thế nào trong bối cảnh bình thường mới? - Ảnh 2.

Công nhân CTCP Cảng Quốc tế Lào - Việt làm việc khẩn trương tại cảng và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Tại Công ty CP Cảng Quốc tế Lào - Việt, bình thường mỗi ngày có 260 lao động làm việc 3 ca với số lượng hàng trăm lượt khách hàng, lái xe ra vào cảng mỗi ngày, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, Công ty CP Cảng Quốc tế Lào - Việt đã xây dựng kịch bản, phương án ứng phó theo 4 cấp độ cụ thể nhằm đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phương án mà Công ty CP Cảng Quốc tế Lào - Việt lựa chọn để vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa ổn định sản xuất cũng là "3 tại chỗ".

Cụ thể, doanh nghiệp này bố trí 100% lao động ăn ở tập trung tại chỗ, thường xuyên đo thân nhiệt, khai báo y tế điện tử hằng ngày; trong trường hợp đặc biệt cần phải ra ngoài sẽ được đưa đón bằng xe riêng của công ty; khi làm việc tại các tàu phải thực hiện đeo găng tay, khẩu trang, đồ bảo hộ và không tiếp xúc với các thủy thủ trên tàu.

KKT Vũng Áng vận hành thế nào trong bối cảnh bình thường mới? - Ảnh 3.

Cán bộ Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh thực hiện "5K" nghiêm ngặt tại nhà máy

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt cho biết: "Để đảm bảo mục tiêu sản xuất, công ty luôn duy trì nghiêm công tác phòng dịch theo tinh thần chỉ đạo của các cấp, ngành. Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các lao động và số khách hàng truyền thống. Hiện nay, 100% lao động của công ty đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine; 100% khách hàng truyền thống đã được tiêm vắc-xin, trong đó, hơn gần 100% đã được tiêm mũi 2…

Với đặc thù luôn phải duy trì nhà máy phát điện vận hành an toàn, ổn định. Thời gian qua, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 cũng luôn duy trì các giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở mức cao.

Theo ông Nguyễn Duy Minh – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, để đảm bảo 2 tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định, gần 450 cán bộ, công nhân viên của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 thời gian qua được bố trí chỗ ở tập trung tại khu nhà cán bộ, công nhân viên (phường Kỳ Long) và khu nhà trực vận hành, bảo dưỡng sửa chữa (sát nhà máy, thuộc xã Kỳ Lợi).

Hằng ngày, người lao động chỉ được đi làm bằng phương tiện của công ty bố trí và tuyệt đối không được ra khỏi các khu nhà khi không đi làm. Bên cạnh đó, các lao động của các nhà thầu, đối tác đang thực hiện công việc thường xuyên tại nhà máy được bố trí ở tập trung tại khu nhà riêng biệt (cạnh nhà máy) để tiện cho việc di chuyển vào làm việc trong nhà máy… nhằm bảo đảm an toàn phòng dịch…

Thích ứng an toàn tập trung về đích

KKT Vũng Áng hiện có gần 19.000 lao động với hơn 880 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã Kỳ Anh vừa mới phát hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng, các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng đã gấp rút chuyển trạng thái phòng dịch lên mức cao nhất để tránh "đứt gãy" chuỗi sản xuất. Ngành chức năng Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện sớm phương án phòng, chống dịch trong bối cảnh mới.

KKT Vũng Áng vận hành thế nào trong bối cảnh bình thường mới? - Ảnh 4.

Hoạt động sản xuất thép cuộn tại công ty Formosa Hà Tĩnh

Là đơn vị quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh, ông Phạm Trần Đệ - Phó Trưởng BQL KKT tỉnh thông tin, thời gian qua Ban đã hướng dẫn các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong KKT Vũng Áng thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh cũng như duy trì hợp lý hoạt động sản xuất trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Qua đó, nhờ chủ động tuân thủ, thực hiện hiệu quả các quy định phòng dịch, hoạt động sản xuất thép của FHS tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. 8 tháng đầu năm 2021, FHS sản xuất hơn 3,5 triệu tấn thép các loại (tăng 24,89% so với cùng kỳ năm 2020), đạt doanh thu gần 3 tỷ USD. Với những đóng góp quan trọng này, FHS đã và đang góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế Hà Tĩnh theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp.

KKT Vũng Áng vận hành thế nào trong bối cảnh bình thường mới? - Ảnh 5.

Các chuyên gia nước ngoài lắp ráp dây chuyền nhà máy tại KKT Vũng Áng

Cũng theo cán bộ BQL cho biết, 10 tháng đầu năm 2021 là quãng thời gian tiếp nối chuỗi khó khăn của cả năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đối với các công ty xuất khẩu gỗ dăm như: Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt – Nhật, Công ty Trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha. Đây là 2 công ty xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất trong KKT Vũng Áng.

Năm 2021, Công ty Trồng rừng và Sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha đặt mục tiêu xuất khẩu 100.000 tấn dăm gỗ, doanh thu đạt 12,2 triệu USD. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động xuất, nhập nguyên liệu thô cũng như xuất sản phẩm sơ chế gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động và không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.

"Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, để hoàn thành mục tiêu sản lượng, doanh thu đề ra từ đầu năm, toàn thể cán bộ, nhân viên công ty phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần. Song song với tuyên truyền, kiểm tra, giám sát cán bộ, công nhân viên, người lao động tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K về phòng chống dịch bệnh, công đoàn công ty cũng đã, đang tổ chức các đợt thi đua theo từng quý với khối lượng, nhiệm vụ công việc cụ thể. Nhờ đó, hơn 80 lao động đang được đảm bảo việc làm, thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng" - lãnh đạo Cty Trồng rừng và Sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha cho hay.

Các công ty, doanh nghiệp có số lượng lao động lớn khác như: Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn KKT Vũng Áng cũng đang tập trung cao nhất thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tổ chức sản xuất hiệu quả.

Đến thời điểm hiện nay, KKT Vũng Áng có 146 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 89 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 48.720 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 13,589 tỷ USD. Hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh tại Vũng Áng đóng góp gần 60% tổng thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó thu xuất nhập khẩu chiếm 97% của cả tỉnh. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ, duy trì chuỗi sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, xác định được tầm quan trọng của việc duy trì sản xuất tại KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực sản xuất của từng đơn vị.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

Theo V. TUÂN

nhadautu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên