Kon Tum xây dựng 9 cụm công nghiệp mới quy mô 600 ha
Thành phố Kon Tum là một trong những vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum về thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến. Đến năm 2040, thành phố sẽ có thêm 9 cụm công nghiệp mới quy mô 600 ha nhằm góp phần công nghiệp hóa bền vững của tỉnh Kon Tum.
UBND tỉnh Kon Tum vừa phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2040. Theo quy hoạch, thành phố Kon Tum gồm 21 đơn vị hành chính (10 phường và 11 xã) với diện tích là 43.601,18ha. Phía Bắc giáp huyện Đăk Hà, phía Nam giáp huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp huyện Kon Rẫy, phía Tây giáp huyện Sa Thầy.
Về tính chất, chức năng đô thị, thành phố Kon Tum là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học - kỹ thuật của tỉnh Kon Tum; là một trong những vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum về thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, đây còn là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và giao lưu quốc tế; là đô thị sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử, dân tộc vùng Tây Nguyên; có vị trí quốc phòng, an ninh quan trọng của vùng Bắc Tây Nguyên.
Đến năm 2030 dân số thành phố khoảng 306.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi khoảng 38.000 người); tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 77,29%. Đến năm 2040 dân số thành phố khoảng 435.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi khoảng 40.000 người), tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 82,76%.
Về quy mô đất đai, đến năm 2030, đất dân dụng chiếm tỷ lệ 12,75% tổng diện tích toàn thành phố (khoảng 5.559,91 ha); đất ngoài dân dụng chiếm tỷ lệ 12,73% (khoảng 5.550,85 ha); đất nông nghiệp và chức năng khác chiếm tỷ lệ 74,52% (khoảng 32.490,42 ha).
Đến năm 2040, đất dân dụng chiếm tỷ lệ 15,48% tổng diện tích toàn thành phố (khoảng 6.750,68 ha); đất ngoài dân dụng chiếm tỷ lệ 23,87% (khoảng 10.406,53 ha); đất nông nghiệp và chức năng khác chiếm tỷ lệ 60,65% ( khoảng 26.443,97 ha).
Thành phố sẽ phát triển theo hướng 3 đường vành đai và 6 vùng phát triển. Về đường vành đai, vành đai 1 (VD1A - 1B) là khu đô thị hiện hữu (cải tạo, chỉnh trang); vành đai 2 (VD2) là khu phát triển mới; vành đai 3 (VD3) là khu vực phát triển các động lực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.
Về phân vùng phát triển, Thành phố Kon Tum lấy khu vực dọc dòng sông Đăk Bla làm trục không gian cảnh quan chủ đạo, được phân thành 6 vùng phát triển cơ bản gồm vùng 1 - Khu phát triển mới (đô thị mới phía Bắc); vùng 2 - Khu trung tâm hiện hữu (cải tạo, chỉnh trang); vùng 3 - Khu phát triển mới phía Đông; vùng 4 - Khu phát triển mới (đô thị mới phía Nam); vùng 5 - Khu nông thôn phía Đông; Vùng 6 - Khu nông thôn phía Tây.
Khu vực nội thành định hướng mở rộng không gian phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Đăk Bla (từ đường Hồ Chí Minh đến đường và cầu nối xã Ngọk Bay - Đăk Năng). Lấy trục sông Đăk Bla làm trung tâm để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác tối đa quỹ đất và cảnh quan dọc hai bên bờ sông để hình thành các khu đô thị, thương mại dịch vụ - du lịch và công viên cây xanh ven sông. Phát triển mở rộng không gian đô thị thành phố về phía Bắc (khống chế tới nút giao đường Hồ Chí Minh - đường trục chính phía Tây thành phố) và về phía Tây (tiếp giáp với đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây).
Ranh giới hành chính nội thành bao gồm 10 phường nội thành gồm Duy Tân, Lê Lợi, Ngô Mây, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Quyết Thắng, Thắng Lợi, Thống Nhất, Trần Hưng Đạo, Trường Chinh) và dự kiến thành lập 4 phường mới 4 là Vinh Quang, Đăk Cấm, Chư Hreng, Đăk Rơ Wa.
Đối với khu vực ngoại thành sẽ tổ chức phân tán theo mô hình cụm, điểm trên các đường tỉnh, đường liên xã. Khu vực này sẽ phát triển theo hướng nông thôn mới nâng cao với 7 xã ngoại thành gồm Kroong, Ngọk Bay, Đăk Blà, Ia Chim, Đăk Năng, Đoàn Kết, Hòa Bình.
Về vị trí, quy mô các khu chức năng chính, gồm Trung tâm hành chính tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của Khu trung tâm hành chính tỉnh tại phường Thống Nhất. Còn Trung tâm chính trị - hành chính thành phố Kon Tum sẽ tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng Khu trung tâm chính trị - hành chính thành phố tại khu vực phía Bắc Phường Duy Tân.
Trung tâm thương mại, dịch vụ bố trí dọc các tuyến đường chính của thành phố như: Trường Chinh, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo... Tổ hợp thương mại - dịch vụ - văn phòng ven bờ sông Đăk Bla.
Thành phố sẽ phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố Kon Tum theo hướng công nghiệp sạch, giảm thiểu gây tác động môi trường nhằm góp phần công nghiệp hóa bền vững của tỉnh Kon Tum.
Phát triển mới 8 Cụm công nghiệp phía Nam thành phố tại xã Hoà Bình và xã Ia Chim, quy mô khoảng 569,5 ha. Trong đó, giai đoạn đến năm 2030 sẽ phát 3 cụm công nghiệp với diện tích 210,8 ha; đến năm 2040 phát triển 5 cụm với diện tích khoảng 358,7 ha. Các cụm công nghiệp phát triển ngành nghề chính là chế biến lâm sản, nông sản, vật liệu xây dựng, thiết bị vận tải, thiết bị điện, điện tử, may mặc, logistic… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Phát triển 1 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại phường Ngô Mây, nằm tiếp giáp với Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung, có quy mô 25 ha với ngành nghề là phân loại, làm sạch, tái chế phế liệu.
UBND tỉnh giao UBND thành phố Kon Tum hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đồ án, tổ chức công bố Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2040 theo quy định. Đồng thời, Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan của tỉnh hướng dẫn và phối hợp với UBND thành phố Kon Tum trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Kon Tum theo đúng quy hoạch được duyệt.