KSH: Chi hàng trăm tỷ đồng mua lại phần vốn góp từ các cá nhân
Doanh nghiệp này cũng thoái vốn khỏi 2 công ty khác bằng cách chào bán cổ phiếu với giá tương đương giá mua trước đó.
CTCP Đầu tư và Phát triển KSH (mã CK: KSH) công bố liên tiếp 4 Nghị quyết HĐQT về việc thoái vốn và đầu tư.
Chi hàng trăm tỷ đồng mua lại phần vốn góp từ các cá nhân
HĐQT của KSH đã thông qua việc mua lại vốn góp của ông Phạm Văn Học tại CTCP Đầu tư và Phát triển Nông lâm nghiệp Thịnh Vượng với tổng giá trị là 154 tỷ đồng (tương ứng 15,4 triệu cổ phần). Đồng thời cử ông Nguyễn Đức Thắng – TGĐ KSH làm người đại diện phần vốn góp này. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3/2016.
Trước đó, KSH đã mua lại vốn góp của ông Nguyễn Đồng Quang tại Công ty TNHH TM-DV-ĐT Gia Huy với tổng giá trị là 130 tỷ đồng (bao gồm 120,6 tỷ đồng tiền mặt và 9,4 tỷ đồng thực hiện hoán đổi công nợ đối với ông Quang).
Thoái vốn khỏi khoáng sản Tam Sơn và Venergy và gần như không có lãi
HĐQT của KSH đã quyết định thoái vốn khỏi CTCP Khoáng sản Tam Sơn bằng cách chào bán 11,5 triệu cổ phần của Khoáng sản Tam Sơn với giá chào bán là 10.000 đồng/cp, tương ứng với tổng giá trị chào bán là 115 tỷ đồng. Nếu thành công, KSH sẽ không còn sở hữu cổ phần tại Tam Sơn.
Được biết KSH đã chi 115 tỷ đồng (tiền vay từ các tổ chức cá nhân) đầu tư vào Khoáng sản Tam Sơn để hợp tác triển khai dự án mở rộng nhà máy luyện kim màu Lào Cai. Ban lãnh đạo cho biết, khoản đầu tư tại Công ty Khoáng sản Tam Sơn nhằm hướng tới hoạt động khai thác kim loại màu, tuy nhiên hiện tại đã không còn phù hợp với định hướng phát triển của Công ty nên HĐQT quyết định thu hồi.
Trước đó, KSH cũng đã quyết định rút vốn hợp tác kinh doanh tại Công ty TNHH Venergy với số tiền là 120,6 tỷ đồng. Đối với khoản đầu tư vào Venergy, trước đó KSH đã chi 120 tỷ đồng (tiền huy động từ phát hành 15 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược) hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Venergy vào dự án sản xuất tiêu sạch tại huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên KSH cũng cho biết năm 2015 thị trường tiêu gặp khó khăn, bên cạnh đó ảnh hưởng của thời tiết cũng gây cản trở tới hoạt động sản xuất tiêu, dẫn đến không đạt được kỳ vọng. Do đó, Công ty quyết định chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực khác.
Theo kế hoạch đề ra, năm 2016, KSH đặt mục tiêu doanh thu 150 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2015. Lãi sau thuế dự kiến tăng trưởng gấp hơn 2 lần, đạt 16 tỷ đồng. Trong năm 2016, Công ty sẽ bắt đầu thực hiện tái cơ cấu toàn diện về mô hình hoạt động Công ty, chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty trực tiếp sản xuất kinh doanh thành công ty đầu tư chuyên quản lý các khoản đầu tư vào các công ty có nền tảng cơ bản như doanh thu/tài sản lành mạnh có lợi thế lâu dài thông qua phương thức mua bán sáp nhập doanh nghiệp, dự án.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của KSH trong nửa đầu năm 2016 cũng không khả quan với doanh thu đạt 24,4 tỷ đồng chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái, LNST vỏn vẹn 374 triệu đồng giảm 83% so với nửa đầu năm 2015. Kết quả kinh doanh không khả quan đã khiến giá cổ phiếu KSH giao dịch trên thị trường chứng khoán cũng giảm sâu, rơi vào nhóm cổ phiếu giá “bèo” với mức đóng cửa tại phiên giao dịch ngày 24/8 chỉ còn 1.700 đồng/cổ phiếu.
HSX