MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KTS Marco Buinhas: Bước ra khỏi khuôn khổ của kiến trúc để kiến tạo không gian sống

31-08-2024 - 08:00 AM | Bất động sản

KTS Marco Buinhas: Bước ra khỏi khuôn khổ của kiến trúc để kiến tạo không gian sống

Kiến trúc đồng điệu cùng tự nhiên, dựng xây từ bản sắc văn hóa và hướng tới con người chỉ là một vài trong số những "chất liệu" tạo nên cảm hứng thiết kế của KTS Marco Buinhas.

Marco Buinhas là nhà kiến trúc sư đến từ Bồ Đào Nha, ông tốt nghiệp Đại học và bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc vào năm 1994 đồng thời giữ chức vụ Giám đốc thiết kế tại Công ty Cổ phần Tư vấn Quốc tế enCity. Những câu chuyện mang theo cả sự nhiệt huyết, say mê của vị KTS đến từ Bồ Đào Nha khi nói về kiến trúc và sự tò mò xen lẫn niềm tự hào, gửi gắm cả tình yêu thương đối với Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung đã lan truyền đi một niềm cảm hứng mới trong thiết kế kiến trúc.

"Có một lần, tôi bị ngã ở nhà, để lại vết thương trên mặt. Sau đó, khi sang Sài Gòn làm việc và đi mua cafe, tôi nhận được sự quan tâm giúp đỡ của người bán hàng tạp hóa gần văn phòng. Không quen cũng chẳng biết, cô tiến tới gần và đưa cho tôi một tuýp kem bôi để vết thương mau lành. Cách biệt về ngôn ngữ khiến tôi không hiểu được những gì cô nói, nhưng với tôi lúc đó, hành động chính là thứ ngôn ngữ không lời tạo nên sự rung cảm trong trái tim. Cảm giác gần gũi về văn hóa và sự ấm áp của con người Việt Nam đã lớn dần lên theo cách như thế", KTS Marco Buinhas gợi nhắc về kỉ niệm đáng nhớ trong một chuỗi những trải nghiệm trên hành trình làm nghề của mình với chúng tôi.

KTS Marco Buinhas: Bước ra khỏi khuôn khổ của kiến trúc để kiến tạo không gian sống - Ảnh 1.

Là KTS đến từ Bồ Đào Nha nhưng ông Marco Buinhas có trải nghiệm phong phú ở nhiều châu lục. Trong đó, ông Marco đặc biệt yêu thích và thấu hiểu châu Á, thậm chí coi châu Á là nhà. Hiện tại, ông Marco định cư ở Singapore, đồng thời làm việc rất nhiều ở Việt Nam, Indonesia và các nước trong khu vực.

    Được biết ông đã có thời gian tìm hiểu về Việt Nam. Vậy, ông mất bao lâu để có thể hiểu được đất nước và con người Việt Nam, từ đó có thể thiết kế những công trình kiến trúc tại đây. Đối với những công trình kiến trúc tại Việt Nam, ông thường lên ý tưởng dựa trên các yếu tố gì?

Tôi đã đi tới rất nhiều nơi ở trên thế giới và sinh sống ở nhiều lục địa khác nhau. Có một điều mà tôi luôn nghĩ, đó là khi đặt chân tới một vùng đất mới, việc nghiên cứu thông qua sách vở và tài liệu thôi là không đủ. Tôi coi trọng việc tìm hiểu thông qua thực tiễn.

Để tạo ra những thiết kế có ý nghĩa, tôi đã trở thành một phần của văn hóa. Điều đó có nghĩa là phải hiểu được lịch sử, kì vọng, giá trị niềm tin của con người ở những nơi tôi đến. Tất cả những thứ đó có thể giúp tôi hiểu được tổng quan mọi người cần gì và tham vọng như thế nào, mọi người cư xử ra sao và định nghĩa lại khái niệm rất quan trọng - không gian. Việc lắng nghe không gian có thể giúp tôi hiểu được tính bản địa, và ngược lại.

Về bản chất, KTS vẫn là người cung cấp cho mọi người không gian để che chở họ. Ngôi nhà vẫn phải bảo vệ mọi người trước sự bất tiện về mặt thời tiết và địa lý,... Và chính sự đa dạng ấy sẽ ảnh hưởng lên những hình thái của kiến trúc cùng các bản thiết kế.

Ngoài ra, bản thiết kế kiến trúc còn kết hợp với sự phát triển của công nghệ. Công nghệ đã được áp dụng vào kiến trúc từ rất lâu và nó luôn luôn phát triển. Thế nhưng có một số yếu tố không bao giờ thay đổi, đó là yếu tố liên quan đến vật lí (ví như lực hút của Trái Đất) hay các yếu tố thiên nhiên. Thiết kế sẽ là sự kết hợp của tất cả những yếu tố đó. Và nhờ đó, bản thiết kế mới có thể thỏa mãn được nhu cầu của con người.

    Lối kiến trúc tại Việt Nam là sự pha trộn nhiều yếu tố văn hoá khác nhau, từ văn hoá bản địa cho đến ảnh hưởng của văn hoá Pháp. Đồng thời chịu nhiều ảnh hưởng của khí hậu và không gian địa lý. Ông có cho rằng đó là một trở ngại trong việc thiết kế các công trình kiến trúc tại Việt Nam?

Đây không phải thách thức đơn lẻ mà là một hệ thống. Thông thường sẽ có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng lên việc thiết kế cho kiến trúc ở nơi đó như địa lý, địa chất, thời tiết, văn hóa, tư tưởng của con người ở nơi đó cũng như nhu cầu của khách hàng. Điều đó đồng nghĩa với việc người KTS phải hòa hợp tất cả những yếu tố đó lại với nhau, dựa trên sự thấu hiểu và quan sát thực tế.

Để có tầm nhìn kết hợp được tất cả những yếu tố đó thì không phải một câu trả lời đơn giản, nhất là đối với Việt Nam - một đất nước với đa dạng nền văn hóa. Tôi đã có lần được học về 54 dân tộc của Việt Nam và cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi nghĩ tới một quốc gia nhỏ bé lại có sự đa dạng về mặt văn hóa đến như vậy.

Nhìn chung, để tất cả những văn hóa cùng tồn tại trong một không gian có thể có những điểm chung, cũng có thể có những điểm rất riêng biệt. Nhiệm vụ của người KTS là phải tìm được một giải pháp để hòa hợp tất cả.

KTS Marco Buinhas: Bước ra khỏi khuôn khổ của kiến trúc để kiến tạo không gian sống - Ảnh 2.

    Có ý kiến cho rằng, kiến trúc hướng tới con người cần phải gắn liền với thiên nhiên, nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?

Từ xưa đến nay, con người và thiên nhiên vốn luôn song hành cùng nhau. Tuy nhiên, con người lại không sẵn lòng đón nhận cả mặt tốt lẫn mặt xấu của nó - cái mà chúng ta coi là không thuận tiện và thiếu thoải mái.

Ví dụ, nhiều người rất muốn tận hưởng bóng râm của cây cối và hòa mình vào không khí của thiên nhiên đất trời. Nhưng nếu ở thời khắc đó, có côn trùng sâu bọ xuất hiện, có thể nhiều người sẽ ngay lập tức hét lên và muốn tránh xa nơi đó.

Tôi muốn nhấn mạnh là, bất cứ thứ gì xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta cũng đều có 2 mặt của nó - tự nhiên cũng thế. Và vấn đề ở đây là con người sẽ phải đón nhận cả mặt tốt lẫn xấu, thuận tiện lẫn bất tiện của môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cảm thấy lạc quan về việc có thể mang lại sự hòa của tự nhiên với con người và dĩ nhiên, để làm được điều này đòi hỏi phải có sự cải cách rất lớn. Sự cải cách ở đây sẽ liên quan đến mối quan hệ của con người và tự nhiên. Thực tế, chúng ta đang không thực sự hiểu tự nhiên như cách nó cần hoạt động.

KTS Marco Buinhas: Bước ra khỏi khuôn khổ của kiến trúc để kiến tạo không gian sống - Ảnh 3.

    "Kiến trúc xanh" đang trở thành xu hướng toàn cầu, các thiết kế của ông tại Việt Nam có hướng tới yếu tố "xanh" không? Và điều đó thể hiện cụ thể như thế nào? (không gian xanh, sử dụng vật liệu bền vững…)

Vì con người vốn dĩ là một phần của tự nhiên, thiết kế của chúng ta cũng vậy. Tự nhiên không nên là một thương hiệu được gắn để bán sản phẩm mà phải là một điều tất yếu đi từ gốc rễ.

Nói thêm về "kiến trúc xanh". "Xanh" thực tế không chỉ là nhiều cây cối. Thay vào đó, yếu tố "xanh" cần được bắt nguồn từ chính những vật liệu xây dựng. Mỗi viên gạch, mỗi tấm kính đều giúp kiến tạo một không gian sống thân thiện với môi trường…

    Theo ông, với quan điểm thiết kế "con người là trung tâm - human centric", trong một khu đô thị, yếu tố nào quan trọng nhất khi ông lên các thiết kế kiến trúc?

Bởi vì các khu đô thị là một hệ thống rất phức tạp cho nên đối với tôi, khi thiết kế một khu đô thị thì sẽ có 3 yếu tố được coi là quan trọng nhất.

Thứ nhất là con người sử dụng không gian này. Tức là khi thiết kế đô thị sẽ cần  tính đến việc làm thế nào để sự tương tác của con người với con người, của con người với thiên nhiên và vạn vật xung quanh xảy ra.

Thứ 2 là tầm nhìn thực tế. Chúng ta cần làm thế nào để biến được tầm nhìn của mình, những thứ mình hình dung tương tác được với thực tế. Bản thân những nhà KTS lúc này sẽ là người đóng vai trò thay đổi thực tế.

Thứ 3 là hiểu được bối cảnh mà mình thực hiện dự án cùng các mức độ ảnh hưởng của nó lên mọi thứ xung quanh.

    Có những công trình kiến trúc đứng một mình rất đẹp, nhưng đặt trong một tổng thể không gian đô thị thì lại trở nên "lệch lạc". Theo ông làm thế nào để tạo nên những hạ tầng đô thị đẹp và có tính nhất quán?

KTS Marco Buinhas: Bước ra khỏi khuôn khổ của kiến trúc để kiến tạo không gian sống - Ảnh 4.

Theo tôi, "vẻ đẹp" có thể là một thuộc tính của sự hiện diện vật lý, nhưng không quan trọng bằng việc nó "có ý nghĩa".

Tôi tin chắc rằng, mục tiêu của thiết kế không chỉ là tạo ra cái đẹp mà là tạo ra các giải pháp hữu ích và ý nghĩa. Những giải pháp này có thể gồm các công trình, tòa nhà, cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, điều quan trọng hơn cả là tạo ra sự kết nối, gắn bó với thực tế và hòa nhập vào ma trận phức tạp mà chúng ta gọi là hiện thực, mang ý nghĩa cả về thời gian lẫn không gian. Cũng giống như giá trị của một cái cây có thể được tìm thấy trong khu rừng, giá trị của khu rừng cũng có thể được tìm thấy trong mỗi cái cây của nó.

Về enCity

Đội ngũ các nhà quy hoạch, nhà thiết kế, kỹ sư và nhà kinh tế chuyên giải quyết các vấn đề đô thị bằng cách thúc đẩy sáng tạo, tạo ra những tác động đến nền kinh tế, xã hội và sinh thái, từ đó xây dựng niềm tin với khách hàng, đối tác và cộng đồng. Niềm đam mê và am hiểu sâu sắc về các đô thị châu Á từ lịch sử địa phương tới quá trình phát triển giúp enCity đưa ra những giải pháp quy hoạch phù hợp, hiện đại và truyền cảm hứng.

Thông tin chi tiết tại đây

Ánh Dương

Tổ Quốc

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên