Ký không đúng mẫu bị phạt tiền: Mức phạt còn cao
Quy định mới xung quanh việc chữ ký không thống nhất, không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký sẽ bị phạt tiền từ 3-10 triệu đồng đang khiến nhiều người lo ngại
Theo Nghị định 41/2018/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập vừa có hiệu lực đầu tháng 5, nhiều sai sót trong lĩnh vực kế toán sẽ bị phạt tiền, cùng với việc chữ ký không đúng với sổ đăng ký mẫu. Cụ thể, các hành vi ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn; chứng từ chi tiền không ký theo từng liên… cũng sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng.
Việc quy định phạt tiền với các chứng từ kế toán có chữ ký không giống khiến nhiều người lo ngạiẢnh: TẤN THẠNH
Sau khi quy định này có hiệu lực, nhiều ý kiến của những người hành nghề kế toán tỏ ra lo ngại vì có khoảng hơn 60 lỗi kế toán rất hay mắc phải được nhắc đến và phạt tiền. Trong đó, có nhiều lỗi được bổ sung chế tài vào Nghị định 41, đặc biệt lưu ý là lỗi chữ ký không thống nhất. Dưới góc độ các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, nhất là DN siêu nhỏ, không có bộ phận kế toán chuyên hoặc thường phải thuê ngoài dịch vụ làm báo cáo thuế, báo cáo tài chính theo quý, năm thì có nguy cơ bị phạt hoặc bị cơ quan quản lý "làm khó" khi đến đợt thanh - kiểm tra.
Nhân viên kế toán một tập đoàn kinh tế tư nhân cho biết trong thực tế hoạt động của tập đoàn, việc duy trì chữ ký thống nhất và đúng 100% với chữ ký mẫu đăng ký là khó. Nhưng duy trì ở mức chấp nhận được để thông qua chứng từ kế toán trong công tác quyết toán thuế thì không gặp khó khăn gì. Với chứng từ kế toán, để rút tiền ở ngân hàng thì phải ký lại cho thống nhất. Thông thường, đối với các chức danh quan trọng của tập đoàn, đều phải thực hiện đăng ký chữ ký mẫu, cũng có vị lãnh đạo hay ký khác đi, nhân viên phải trình ra bản mẫu để vị này ký cho đúng. Do đó, phạt tiền nếu chữ ký không thống nhất là không cần thiết, có phần cứng nhắc.
Bà Hà Thị Tường Vi, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam, cho biết chế tài này chỉ áp dụng đối với nơi phát sinh chứng từ, chủ yếu là DN cung cấp dịch vụ kế toán. Ví dụ, một người dân đi nộp tiền thì không ai "soi" chữ ký của người nộp tiền mà thường chỉ đối chiếu chữ ký của đại diện DN hoặc kế toán. Luật Kế toán đã quy định phải có chữ ký mẫu và có quy định phạt tiền nếu ký không thống nhất để người ký chứng từ phải lưu ý, có trách nhiệm đối với các thông tin ghi trên chứng từ hoặc sổ sách báo cáo kế toán. Chế tài này cũng giúp cơ quan quản lý dễ kiểm soát hơn nếu có phát sinh các sự vụ liên quan đến DN. "Trong thực tế, đã có một số trường hợp khi thanh tra, kiểm tra, lãnh đạo DN chối không phải chữ ký của mình, buộc phải đi giám định và khi có kết quả mới chấp nhận" - bà Tường Vi nói.
Kế toán trưởng một DN FDI trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại TP HCM cho rằng những chế tài mới bổ sung trong Nghị định 41 áp dụng cho các sai sót, lỗi trên chứng từ kế toán, kiểm toán là cần thiết. Bởi trước nay, các DN nhỏ, kế toán thường làm việc phụ thuộc vào chủ DN chứ ít quan tâm tới các sai sót, vi phạm về nghiệp vụ. Điều này khiến chất lượng của công việc kế toán, số liệu trình bày trong báo cáo tài chính không chính xác, ảnh hưởng đến công tác phân tích báo cáo tài chính rồi quyết định đầu tư của nhà đầu tư, đối tác… Do đó để nâng cao chất lượng công tác kế toán, cần phải có chế tài mạnh tay.
"Có điều, mức phạt 3-5 triệu đồng với các lỗi vi phạm là khá cao, khiến DN và bản thân người làm công tác kế toán, kiểm toán cũng áp lực lớn vì không cẩn thận sẽ bị phạt nặng. Trong khi công tác kế toán trong các DN nhỏ, siêu nhỏ rất đơn giản, mức doanh thu không cao, lợi nhuận thấp và lương kế toán cũng thấp. Nếu bị phạt cho các lỗi sai sót từ 5-10 triệu đồng có thể là cả tháng lương của nhân viên kế toán" - vị kế toán trưởng trên chia sẻ.
Theo một số chuyên gia, những chế tài trong nghị định mới trước mắt nên áp dụng cho các công ty đại chúng, ngân hàng, DN FDI và công ty niêm yết… Bởi việc áp dụng chuẩn mực và tăng chế tài sẽ giúp những DN này tăng giá trị trên thị trường. Chưa kể, trong xu hướng phát triển công nghệ hiện nay, không chỉ chữ ký thông thường mà có nhiều cách để lưu trữ tốt chứng từ, hóa đơn như số hóa, quy định cứng nhắc và tăng mức phạt sẽ khiến DN cảm giác bị làm khó hơn là tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh.
Có nhiều cách để nhận biết khách hàng
Liên quan đến việc chữ ký không giống với mẫu đã đăng ký có thể bị phạt, nhiều người thường xuyên đến giao dịch ngân hàng cảm thấy lo lắng và phiền hà khi phải ký lại nhiều lần. Không ít người đến ngân hàng rút tiền, đáo hạn sổ tiết kiệm, giải ngân vốn vay… thường xuyên bị yêu cầu phải ký lại trên các chứng từ, ủy nhiệm chi nếu chữ ký không giống với mẫu đăng ký. "Mẫu chữ ký tôi đăng ký với ngân hàng cách đây 5-6 năm khi mở tài khoản và lần nào đi đáo hạn sổ tiết kiệm, tôi cũng phải ký lại rất nhiều lần vì không giống. Nếu quy định mới yêu cầu chặt chẽ hơn các chứng từ có chữ ký, liệu khách hàng của ngân hàng có gặp thêm phiền phức, mất thời gian hơn?" - chị Mai Thanh (ngụ quận 9, TP HCM) băn khoăn.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết chữ ký là bắt buộc phải có trong các chứng từ giao dịch giữa khách hàng với ngân hàng. Nhưng thực tế, có rất nhiều cách để nhận diện khách hàng khi mẫu chữ ký không đúng hoàn toàn như dấu vân tay, CMND, quét mã QR Code… Do đó, khách hàng không cần quá lo lắng. Hơn nữa, nhân viên ngân hàng thường yêu cầu ký lại nhiều lần cho giống với mẫu chữ ký cũng nhằm tránh trường hợp giả chữ ký, mạo danh hoặc gian lận.
T.PHƯƠNG
Ý KIẾN
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Chủ tịch Công ty Luật Basico:
Quy định để tránh ký thay, dùng chữ ký giả
Việc bổ sung quy định này là cần thiết và không nên hiểu cứng nhắc từ "thống nhất" và "đúng" chữ ký mẫu có nghĩa là phải giống 90%-95% hay giống hệt nhau. Đối với nghiệp vụ kế toán, việc quy định đăng ký mẫu chữ ký và yêu cầu ký đúng mẫu có mục đích chống tình trạng ký hộ, ký thay, sử dụng chữ ký giả. Thậm chí, có những trường hợp cùng là một người ký nhưng lại dùng chữ ký tắt, gây khó khăn cho công tác lưu trữ, đối chiếu chứng từ về sau.
Khả năng DN có thể bị hành nếu cơ quan quản lý cố tình soi chữ ký là rất ít. Trong thực tế, cũng có yêu cầu đối với DN sử dụng từ 2 con dấu trở lên thì 2 con dấu đó phải giống nhau. Việc khắc 2 con dấu giống nhau 100% là rất khó nhưng thực tế chưa thấy DN bị hành về việc này.
TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính:
Đơn giản thủ tục hành chính hơn nữa
Từ câu chuyện yêu cầu chữ ký trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán phải thống nhất với mẫu đăng ký, tôi thấy thực tế quy định của Việt Nam dựa rất nhiều vào văn bản, cái gì cũng phải có dấu, có chữ ký. Trong khi ở các nước đã không quá nặng nề vấn đề này. Như tôi sống và làm việc ở nước ngoài mấy chục năm, chưa bao giờ ra ngân hàng rút tiền phải ký lại nhưng ở Việt Nam tôi từng phải ký lại nhiều lần mới rút được tiền trong tài khoản, dù các giao dịch viên đều biết tôi là người làm việc trong ngành ngân hàng.
Hiện thủ tục hành chính còn nhiêu khê, phiền hà nên cần phải đơn giản hơn nữa. Ở các nước, thủ tục khi giao dịch ngân hàng cũng là giao dịch truyền thống - khách hàng phải ký vào mẫu biểu, giao dịch viên so sánh với chữ ký mẫu rồi mới cho rút tiền. Nhưng họ không nhiêu khê như chúng ta và đây là tình trạng chung ở nhiều lĩnh vực.
TS - Luật sư BÙI QUANG TÍN, chuyên gia tài chính:
Cần có hướng dẫn cụ thể
Quy định chữ ký phải trùng khớp, giống nhau là để bảo đảm quyền lợi cũng như nâng cao trách nhiệm cho chính người ký, tránh các hành vi giả mạo, gian lận. Nhưng nghị định cần quy định rõ chữ ký như thế nào là khác nhau bởi mỗi nét chữ ký đều có sự thay đổi so với những lần ký khác ít nhất vài phần trăm. Cách thức xử phạt ra sao để tránh xuất hiện tình trạng tiêu cực, lạm dụng hoặc làm khó DN cũng cần phải rõ ràng… Những vấn đề này phải có hướng dẫn cụ thể để cơ quan quản lý hoặc đơn vị đi thanh - kiểm tra không làm khó DN. Chưa kể, trong xu hướng công nghệ phát triển 4.0 như hiện nay mà cơ quan quản lý ban hành những quy định khiến DN, người dân có cảm giác "đi lùi" công nghệ nên chế tài bằng các mức phạt tiền cụ thể cũng là chưa ổn.
Người lao động