Kỳ lạ kinh doanh xăng dầu “càng thấy đông khách càng sợ”
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị cần sự chia sẻ khó khăn giữa các bên và cần quy định mức chiết khấu tối thiểu để có thể duy trì hoạt động.
- 12-02-2023Cục Đăng kiểm hứa chấn chỉnh vụ bắt lỗi xe một đèn lùi không sáng
- 12-02-2023Cảnh báo lừa đảo mua sắm trực tuyến mùa săn sale
- 12-02-2023Phát hiện mỏ lithium trời cho, quốc gia này lập tức vượt Mỹ về trữ lượng, mối nguy của Trung Quốc trong tương lai gần là đây
Hơn 1 năm qua khi thị trường xăng dầu khó khăn, có thời điểm mức chiết khấu cho cửa hàng xăng dầu giảm về 0 đồng/lít xăng trong khi các cây xăng phải trả nhiều chi phí quản lý, nhân công, đất đai, vận chuyển…, nhiều DN bán lẻ xăng dầu cho rằng họ thua lỗ trong thời gian này. Để vượt qua khó khăn, các DN bán lẻ kiến nghị Nhà nước cần sự chia sẻ khó khăn giữa các bên và cần quy định mức chiết khấu tối thiểu để cửa hàng xăng dầu có thể duy trì hoạt động.
Càng đông khách càng sợ
Hiện nay, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang đứng trước nguy cơ phải xin rút giấy phép kinh doanh, do không thể tiếp tục gồng mình chịu lỗ. Một vài chủ cửa hàng chia sẻ “người kinh doanh thấy khách thì phải mừng trong khi người bán xăng cứ thấy khách càng đông càng sợ”.
Nhiều cửa hàng xăng dầu phải đi vay tiền trả lương cho nhân viên và chi phí mặt bằng. Ảnh: Hoàng Minh
Ông Lữ Quý Sang, trưởng cửa hàng xăng dầu Tiên Tiến ở quận Tân Phú, TP.HCM nhớ lại, lúc cao điểm thiếu nguồn cung xăng, các cửa hàng bán lẻ xung quanh đóng cửa nên lượng khách đổ về cây xăng của ông rất đông, đứng xếp hàng dài đổ xăng.
Thời điểm đó mỗi ngày cây xăng lỗ hàng chục triệu đồng, ông phải dùng tiền lãi kinh doanh các ngành khác và tiền cá nhân của mình để duy trì hoạt động. Tới thời điểm này, khó khăn vẫn chưa hết và ông mong mỏi mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường.
“Không có ngành kinh doanh nào khi bán được nhiều hàng lại buồn như xăng dầu. Lẽ ra bán được nhiều hàng phải vui nhưng thời điểm ấy bán được nhiều hàng lại rất xót. Cửa hàng càng bơm, bán được càng nhiều xăng dầu càng lỗ. Người kinh doanh nghĩ sẽ cố gắng vượt qua thời gian lỗ đó và sau đó sẽ tốt hơn, nhưng tình trạng này vẫn kéo dài từ đầu năm 2022 đến Tết vừa rồi, chiết khấu từ mức 100, 200 rồi lại về 0 đồng/lít”, ông Sang bày tỏ.
Doanh nghiệp bán lẻ cần mức chiết khấu tối thiểu
Cùng tình cảng như ông Sang, ông Lê Văn Báu, trưởng cửa hàng xăng dầu Dương Anh Thư, ở quận Tân Bình TP.HCM cũng cho biết, đơn vị bị lỗ rất nhiều trong năm 2022. DN của ông thiếu nợ đầu mối không ít, có lúc số tiền thiếu vượt quá chứng thư bảo lãnh, không được giao hàng. Ông Lê Văn Báu kiến nghị cần có chiết khấu bán lẻ tối thiểu để các cửa hàng xăng dầu có thể duy trì hoạt động.
“Trong tình hình này, nếu Nhà nước tính đúng, tính đủ để cho các đại lý bán lẻ xăng dầu hưởng tối thiểu 5% chiết khấu giá nhập xăng dầu DN mới có thể duy trì mức hòa vốn để bù lại các loại chi phí, trả lương cho nhân viên, duy trì hoạt động cây xăng”, ông Báu nói.
Chuyên gia kinh tế, TS. Giang Chấn Tây cho rằng, cần quy định mức chiết khấu tối thiểu vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Chiết khấu tối thiểu là công cụ quản lý nhà nước nhằm đảm bảo cho hệ thống kinh doanh xăng dầu hoạt động ổn định phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, còn chiết khấu tăng thêm theo thỏa thuận là sự linh hoạt của thị trường.
Trong đó, khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức nằm trong giá cơ sở, được chia đều cho 3 khâu: DN đầu mối, thương nhân phân phối và DN bán lẻ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Dự kiến ngày 14/2 tới đây, các DN bán lẻ xăng dầu sẽ tham dự cuộc họp “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội.
Các DN kinh doanh xăng dầu sẽ kiến nghị được chiết khấu tối thiểu 5-6% giá bán lẻ, cho phép cây xăng nhận nguồn từ ít nhất từ 3 nguồn đầu mối và nhà nước nên cho DN đầu mối tự định giá bán lẻ.
VOV