Kỳ lạ startup “3 không” và ước mơ phủ cam đường phố của ông “ô sin giao hàng công nghệ”
Hướng đi nào sẽ giúp các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam sinh tồn giữa môi trường startup đào thải liên tục?
Tốc độ tăng trưởng tên lửa có đánh đổi bằng lợi nhuận? Nỗ lực tăng độ phủ thương hiệu liệu có giống cuộc chơi đốt tiền? Liệu hướng đi nào sẽ giúp các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam sinh tồn giữa môi trường startup đào thải liên tục?
Từ góc độ của người trong cuộc - anh Phan Tường Bách – Giám đốc vận hành của start-up giao hàng AhaMove đã cung cấp những câu trả lời xác đáng.
Anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân và sản phẩm start-up mình đang làm được không?
Mình là Phan Tường Bách, hiện đang làm Giám đốc vận hành của sản phẩm AhaMove. Đây là một ứng dụng giúp chủ cửa hàng có thể liên kết và tìm kiếm hàng ngàn tài xế giao hàng, cũng như tài xế có thể kiếm thêm thu nhập. Bên mình đã hoạt động được gần 3 năm tại Hà Nội và TPHCM.
Anh Phan Tường Bách.
Một start-up thuần Việt như AhaMove gặp phải khó khăn gì trong quá trình phát triển, thưa anh?
Anh em vẫn kháo nhau AhaMove là “Start-up 3 không”: không đại gia chống lưng, không nguồn lực nước ngoài tiếp máu, không sở hữu cả trăm kỹ sư như công ty tại các “thiên đường” khởi nghiệp. Với nguồn vốn cực kỳ khiêm tốn, sự thật là trong 2 năm đầu AhaMove đã gánh trên vai khoản lỗ hàng chục tỷ đồng vì hỗ trợ khách hàng hoàn thành nghĩa vụ thuế. Để san bớt gánh nặng đó, từ đầu 2018 công ty đã chuyển lại nghĩa vụ đóng VAT 10% về phía khách hàng. Tuy nhiên việc điều chỉnh chính sách lại vô tình tạo ra làn sóng phản ứng tiêu cực từ khách hàng và nhất là tài xế.
Đây là quyết định khó khăn, nhưng muốn duy trì hoạt động và phát triển thì AhaMove gần như không còn lựa chọn khác.
Vậy AhaMove có động thái nào để xoa dịu tình hình không? Đầu năm nay tài xế Grab, Uber còn xuống đường biểu tình phản đối công ty, liệu AhaMove có gặp chuyện tương tự?
Chúng tôi chọn cách lắng nghe, đối thoại để tìm tiếng nói chung và sẵn sàng điều chỉnh trong phạm vi cho phép. AhaMove còn nhiều thiếu sót và không ngại thay đổi vì quyền lợi của tài xế, bởi nếu không có đội ngũ shipper thì công ty cũng “chết yểu” từ lâu rồi.
Bạn bè trêu Bách là ông tướng điều hành cả ngàn shipper, mình thì chỉ dám nhận là “ô sin giao hàng công nghệ”. 93 chuyến ship hàng của Bách chẳng là gì so với anh em shipper nhưng cũng giúp mình hiểu hơn sự vất vả của họ. Bắt đầu từ 2018, AhaMove chú trọng hơn trong việc tối ưu các chính sách thưởng, xây dựng cộng đồng, hoàn thiện ứng dụng của tài xế, hay mới đây là việc ra mắt “Hoàng bào” với hy vọng đi đường dài cùng anh em shipper.
Rời khỏi văn phòng điều hòa mát lạnh, anh Bách nhận mình chỉ là “ô sin giao hàng công nghệ”.
Anh vừa nhắc tới “Hoàng bào”, cái tên này liên quan gì tới shipper AhaMove vậy?
Đây là tên gọi của chiếc áo đồng phục dành cho shipper AhaMove, xuất phát từ khẩu hiệu của AhaMove thời mới thành lập: “Khách hàng là Thượng đế, Tài xế là Ngọc Hoàng”.
Thực tế, đồng phục cho tài xế đã được nhiều đơn vị triển khai từ lâu. Có vẻ như AhaMove hơi chậm chân?
Đó là vấn đề thời điểm. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam bùng nổ, AhaMove thu hút hàng ngàn khách hàng mới, kéo theo nhu cầu khổng lồ về shipper giao hàng. Các startup giao hàng nước ngoài vào cuộc, miếng bánh thị phần chia nhỏ, cạnh tranh gắt gao hơn. Start-up nào rồi cũng phải lớn, 2018 là năm AhaMove đầu tư nghiêm túc vào việc xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho shipper trong mắt khách hàng. Sau gần 1 năm ấp ủ, 5 tháng tìm kiếm chất liệu, hoàn thiện thiết kế, chọn nhà sản xuất và thay đổi mẫu mã vô số lần thì tài xế Aha nay cũng có đồng phục rồi!
Chỉ là một chiếc áo khoác mà công phu tới vậy sao?
Bởi vì bộ đồng phục áo – mũ có thể xem như bộ mặt của AhaMove. Trước mắt chúng tôi mới sản xuất 1.000 bộ cho tài xế Hà Nội và TP.HCM nhưng trong tương lai là mong muốn phủ cam bản đồ giao hàng thành phố. Kế hoạch làm áo đã có từ hè 2017, suốt mấy tháng chúng tôi chia người hỏi han khắp nơi, nghiên cứu đồng phục của các bên khác để tìm bằng được chất liệu ưng ý.
“Hoàng bào” được đo đếm từng mũi chỉ đường kim, soi xét từng nét mực in để đảm bảo sản phẩm đến tay tài xế luôn hoàn hảo nhất.
“Kỳ cục” nhất phải kể tới hôm có mẫu áo thử nghiệm đầu tiên. Giữa mùa đông Hà Nội mưa rét 9 độ C, 6 giờ sáng anh em đánh liều mặc mỗi chiếc áo cộc kèm “Hoàng Bào” ra đường để thử khả năng chịu mưa, chịu lạnh.
Bách luôn mong chiếc áo được chăm chút từng chi tiết nhỏ để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho shipper. Áo nào sản xuất lỗi, kém chất lượng và không vượt qua nổi “bài test áo” của AhaMove, mình đều cho loại bỏ ngay.
Chuyện mấy thanh niên cao to ra sức giằng co “Hoàng bào” cả tiếng đồng hồ để thử độ bền của áo đã thường như cơm bữa.
Việc nghiên cứu, sản xuất và phủ sóng chiếc áo khắp cộng đồng shipper đã tiêu tốn của AhaMove cả chục tỷ. Số tiền này tính ra đã đủ nuôi sống anh em tài xế và nhân viên công ty cả năm trời, nhưng Bách vẫn quan niệm: không làm thì thôi, chứ đã làm thì bằng mọi giá phải có tâm hết mức!
Cảm ơn anh về những chia sẻ chân thành! Chúc anh và AhaMove tiếp tục giữ trọn nhiệt huyết để tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng nể trong tương lai!
Kết thúc buổi trò chuyện, anh Bách vội trở về văn phòng vì hôm nay là ngày AhaMove chính thức ra mắt bộ đồng phục và mũ bảo hiểm cho đội ngũ shipper.
Với AhaMove, hạnh phúc nào bằng từ hôm nay hàng ngàn chủ shop online đã có thể gật gù: “Thấy bóng áo cam là an tâm giao hàng!”. Hàng ngàn tài xế khi ra đường đã có thể hồ hởi vẫy tay nhận mặt anh em, bằng hữu. Sự chuyên nghiệp được hình thành. Tình cảm được gắn kết. Mỗi khách hàng, mỗi tài xế sẽ nhận thức rõ hơn bao giờ hết vai trò của mình trong chuỗi mắt xích giao nhận của nền kinh tế sẻ chia. Đã “start” xong rồi, giờ là lúc để “up” – vậy chẳng phải xứng đáng lắm sao?