MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ lân công nghệ của Việt Nam: Một năm 2 lần gọi vốn thành công hàng trăm triệu USD, doanh thu của MoMo tăng gần gấp đôi trong năm 2021, bỏ ngỏ kế hoạch IPO

21-12-2021 - 19:04 PM | Doanh nghiệp

Kỳ lân công nghệ của Việt Nam: Một năm 2 lần gọi vốn thành công hàng trăm triệu USD, doanh thu của MoMo tăng gần gấp đôi trong năm 2021, bỏ ngỏ kế hoạch IPO

Mặc dù trong năm qua kinh tế chịu ảnh hưởng bởi giãn cách kéo dài nhưng MoMo cho biết đã có một năm phát triển vượt bậc. Doanh thu ước tính tăng trưởng khoảng gấp đôi so với 2020. Nền tảng siêu ứng dụng MoMo hiện đã có 31 triệu người dùng, tăng 11 triệu người dùng so với tháng 9/2020 (+34%) và tăng 20 triệu so với năm 2019.

Một năm hoàn thành 2 vòng gọi vốn hàng trăm triệu USD

Siêu ứng dụng MoMo ngày hôm nay công bố đã hoàn thành vòng gọi vốn series E khoảng 200 triệu USD từ Muzuho Bank, Ward Ferry và hai nhà đầu tư hiện hữu của MoMo là Goodwater Capital và Kora Management. Đây là vòng gọi vốn thứ 5 của MoMo và là vòng gọi vốn có quy mô lớn nhất trong tất cả các lần gọi vốn trước. 

Như vậy chỉ trong 1 năm, MoMo đã hoàn thành 2 vòng gọi vốn series D và Series E. Trước đó, tháng 1/2021 các nhà đầu tư Warburg Pincus, Macquarie Capital, Goodwater Capital, Kora Management, Affirma Capital và Tybourne Capital Management đã hoàn thành rót vốn vòng series D vào MoMo. Vòng gọi vốn này do Goodwater, một quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus cùng dẫn dắt. 

Các nhà đầu tư vào MoMo đa phần đều là các tên tuổi lớn. Năm 2013, Goldman Sachs là nhà đầu tư đầu tiên rót vốn vào MoMo với số tiền 5,75 triệu USD. Tháng 3/2016, MoMo công bố hoàn thành vòng Series B với hai nhà đầu tư chính là quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (hiện là Affirma Capital) và Ngân hàng đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs. Năm 2019, MoMo công bố hoàn thành vòng Series C với sự tham gia dẫn dắt chính của Warburg Pincus.

Theo đại diện MoMo, nguồn vốn hàng trăm triệu USD huy động được trong năm 2021 để tập trung cho cho những mục tiêu chiến lược: mở rộng thị trường và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu cần thiết của người dân; đầu tư phát triển nền tảng công nghệ, thúc đẩy hành vi và thói quen tiêu dùng không dùng tiền mặt của người dân; thu hút nhân sự tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau; tìm kiếm và đầu tư vào các công ty Việt Nam thông qua hoạt động M&A nhằm gia tăng sức mạnh công nghệ và mở rộng hệ sinh thái MoMo. 

Kỳ lân công nghệ của Việt Nam: Một năm 2 lần gọi vốn thành công hàng trăm triệu USD, doanh thu của MoMo tăng gần gấp đôi trong năm 2021, bỏ ngỏ kế hoạch IPO - Ảnh 1.

Đội ngũ lãnh đạo của MoMo: Chủ tịch Điều hành HĐQT Momo là ông Anthony Thomas (thứ 5 từ phải sang) – nguyên Giám đốc mảng Kinh doanh & Phân phối Ngân hàng Bán lẻ khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Citibank, nguyên CEO ví điện tử lớn nhất Philippines (GCash).

Cụ thể, MoMo cho biết sẽ đầu tư cho các hoạt động Nghiên cứu và Phát triển để sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính mới. Triển khai các giải pháp công nghệ giúp hàng triệu MSME trên khắp Việt Nam giúp họ số hóa hoạt động kinh doanh, vượt qua những thách thức và nhanh chóng thích nghi với bối cảnh kinh doanh mới. 

Không chỉ tập trung khu vực thành thị, trong những năm tới MoMo sẽ mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, phối hợp với ngân hàng và các tổ chức tài chính cho ra mắt nhiều sản phẩm mới, giúp mang dịch vụ tài chính đến gần với người dân tại thành phố cấp 2, cấp 3 và khu vực nông thôn.  

Doanh thu năm 2021 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2020

Mặc dù trong năm qua kinh tế chịu ảnh hưởng bởi giãn cách kéo dài nhưng MoMo cho biết đã có một năm phát triển vượt bậc. Doanh thu ước tính tăng trưởng khoảng gấp đôi so với 2020. Nền tảng siêu ứng dụng MoMo hiện đã có 31 triệu người dùng, tăng 11 triệu người dùng so với tháng 9/2020 (+34%) và tăng 20 triệu so với năm 2019. 

Kỳ lân công nghệ của Việt Nam: Một năm 2 lần gọi vốn thành công hàng trăm triệu USD, doanh thu của MoMo tăng gần gấp đôi trong năm 2021, bỏ ngỏ kế hoạch IPO - Ảnh 2.

Doanh thu của MoMo tăng gấp đôi trong năm 2021

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch kiêm đồng Tổng Giám đốc của MoMo chia sẻ: "MoMo mong muốn mang mọi khía cạnh của cuộc sống người Việt Nam lên nền tảng số, để mọi người có thể tiếp cận các dịch vụ với chi phí giá rẻ và trải nghiệm phù hợp hơn. Ví dụ như khám bệnh từ xa, một doanh nghiệp muốn làm thì phải tạo ra một app rồi thuyết phục khách hàng tải app, nhưng ở Việt Nam chi phí một lần tải app khá là đắt, tuỳ vào từng lĩnh vực có thể từ 2-5 USD không phải rẻ. Khi đưa lên nền tảng MoMo thì chi phí gần như bằng 0. Bên cạnh đó, MoMo với kinh nghiệm thấu hiểu khách hàng sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận đối tượng khách hàng phù hợp hơn, những cái hợp tác như vậy sẽ tạp ra win win cho các bên. Ngoài ra, khi chi phí doanh nghiệp rẻ hơn thì giá khách hàng sẽ được tiếp cận với giá dịch vụ thấp hơn. MoMo mong muốn thực hiện khát vọng mở rộng hệ sinh thái, đưa cuộc sống của người Việt lên Online".

Hiện MoMo đã có 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên khắp cả nước trải rộng nhiều lĩnh vực, tăng 20.000 điểm so với cuối năm 2020 với 50.000 đối tác kinh doanh, tăng 10.000 đối tác so với tháng 9/2020 (+33%).

Kỳ lân công nghệ của Việt Nam: Một năm 2 lần gọi vốn thành công hàng trăm triệu USD, doanh thu của MoMo tăng gần gấp đôi trong năm 2021, bỏ ngỏ kế hoạch IPO - Ảnh 3.

Phối hợp cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty bảo hiểm, MoMo đã giúp hàng triệu khách hàng tiếp cận được các dịch vụ tài chính, bảo hiểm như vay tiêu dùng, đầu tư, bảo hiểm phi nhân thọ, sức khỏe…  

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hành vi người tiêu dùng theo chiều hướng có lợi hơn cho MoMo khi ngày càng nhiều người dùng chọn các phương thức thanh toán không tiền mặt và nhu cầu chuyển đối số của đối tác trong hệ sinh thái ngày một gia tăng và trở nên cấp thiết hơn. MoMo hiện là phương thức thanh toán được lựa chọn nhiều nhất cho các dịch vụ công trực tuyến, chiếm tỷ trọng 32% số lượng giao dịch thanh toán trực tuyến qua CDVCQG (tính đến tháng 10/2021). 

Trong năm qua, MoMo cho biết đã bổ sung khá nhiều dịch vụ mới tích hợp trên nền tảng siêu ứng dụng trong đó tập trung vào nền tảng kết nối (market place) giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất có sẵn.

Trong lĩnh vực bảo hiểm (insurtech), nền tảng siêu ứng dụng của MoMo cho phép người dùng có thể lựa chọn nhiều loại bảo hiểm khác nhau, thanh toán phí bảo hiểm của nhiều hãng cả nhân thọ và phi nhân thọ. 

Trong lĩnh vực tín dụng (credit tech), năm 2021 MoMo ra mắt Ví Trả Sau thông qua hợp tác với ngân hàng TPBank và vay nhanh Fast Money thông qua hợp tác với EVN Finance với kết quả ban đầu rất khả quan. MoMo cho biết dự kiến sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng cho ra mắt nhiều sản phẩm mới trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng trong năm tới. 

Với lĩnh vực đầu tư (investech), MoMo dự kiến hợp tác với ngân hàng, công ty chứng khoán triển khai hình thức tiền gửi có kỳ hạn và đầu tư chứng chỉ quỹ trong năm 2022. Ông Nguyễn Mạnh Tường cho biết: "MoMo có lượng khách hàng lớn giúp việc phân phối sản phẩm nhanh và dễ dàng hơn, công nghệ về Big Data và marchine learning sẽ cho phép hiểu khách hàng nào có nhu cầu vay và khả năng trả nợ cao hơn nên MoMo sẽ phối hợp với các định chế tài chính cung cấp các dịch vụ số phù hợp. MoMo luôn mong muốn tìm sự hợp tác và kết hợp để "1+1=10".

MoMo sẽ lên kế hoạch triển khai chương trình Mini App để các đối tác có thể tự tích hợp và phát triển ứng dụng của họ ngay trên nền tảng MoMo và tiếp cận 31 triệu người dùng của MoMo. Bên cạnh đó, kỳ lân công nghệ cho biết sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm giúp đối tác tích hợp trải nghiệm khám phá xung quanh người dùng (hyper local) trong lĩnh vực F&B và thị trường quà tặng điện tử (voucher market)…

Bỏ ngỏ kế hoạch IPO, đẩy mạnh M&A năm 2022

Tháng 6/2021, MoMo hoàn thành thương vụ mua lại toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ của Pique -  Công ty cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho tất cả các doanh nghiệp số. Đây cũng là hoạt động đầu tiên của Quỹ Đầu tư Đổi mới Sáng tạo MoMo (MoMo Innovation Ventures) ra mắt hồi đầu năm 2021. Sau khi thương vụ hoàn tất, MoMo đã tiếp nhận toàn bộ tài sản sở hữu trí tuệ của Pique, và đội ngũ công nghệ. Đặc biệt ông Trịnh Xuân Tuân (Founder Pique) đã gia nhập MoMo. 

MoMo cũng đã hoàn tất một thương vụ khác và sẽ sớm công bố trong thời gian tới. Kỳ lân cho biết sẽ đẩy mạnh M&A thời gian tới nhằm gia tăng sức mạnh công nghệ và mở rộng hệ sinh thái MoMo. 

Một mặt khác, MoMo bỏ ngỏ kế hoạch IPO trong tương lai gần và cho biết hiện tại các nhà đầu tư vẫn đang hài lòng với kết quả kinh doanh và chưa có kế hoạch thoái vốn. Đồng thời, MoMo đã nhận được khá đủ vốn đầu tư và chưa có kế hoạch huy động thêm vốn trong ngắn hạn. 

Theo số liệu của chúng tôi, hiện MoMo cùng các ví điện tử khác hiện vẫn đang lỗ.

Kỳ lân công nghệ của Việt Nam: Một năm 2 lần gọi vốn thành công hàng trăm triệu USD, doanh thu của MoMo tăng gần gấp đôi trong năm 2021, bỏ ngỏ kế hoạch IPO - Ảnh 4.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên