Kỷ lục ở dự án 150.000 tỷ đồng dài nhất Việt Nam: 15.209 người, 6.480 máy móc thi công 'thần tốc'
Bộ GTVT cho biết, có 6.480 máy móc thiết bị các loại, 15.209 nhân sự thi công, 359 nhân sự tư vấn giám sát đang cùng làm việc trên công trường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
- 28-02-2024Ngóng đợi tuyến tàu cao tốc TP HCM - Côn Đảo
- 26-02-2024Bộ Chính trị: Ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông
- 26-02-2024Hoàn thành rà soát hiện trường cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tiến độ thi công tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam
Những ngày đầu năm mới 2024, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về tình hình thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021- 2025 (giai đoạn 2).
Để đẩy nhanh tiến độ thi công giúp dự án sớm về đích, trên công trường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các nhà thầu đã huy động tổng cộng 6.480 máy móc thiết bị các loại, 15.209 nhân sự thi công, 359 nhân sự tư vấn giám sát. Đây là con số lớn kỷ lục trong số các dự án giao thông đường bộ cao tốc từ trước tới nay ở Việt Nam.
Tính đến nay, trên toàn dự án đã huy động 561 mũi thi công. Trong đó, có 286 tổ thi công cầu, 275 mũi thi công đường, hầm chui dân sinh và một số công trình trên tuyến.
Tổng vốn dự án đã giải ngân năm 2023 đạt xấp xỉ 28.300 tỷ đồng, đạt hơn 62%. Trong đó, công tác GPMB giải ngần hơn 7.900 tỷ đồng (đạt hơn 52%); Tư vấn, quản lý dự án, chi phí khác giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng (đạt gần 78%); Giải ngân công tác xây lắp đạt hơn 19.300 tỷ đồng (đạt gần 67%)", Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay.
Về tiến độ thi công đường công vụ phục vụ thi công, theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tính đến cuối tháng 9, có hơn 400km đường công vụ đã hoàn thành và đang thi công, tỷ lệ đạt hơn 64%.
Dự án đã giải phóng hơn 670 km mặt bằng, bàn giao cho các chủ đầu tư, đạt hơn 93%. Trong đó, các nhà thầu, đơn vị thi công đã triển khai công địa được gần 646 km, đạt 89,5%.
Các dự án đã hoàn thành 76/147 khu tái định cư, gồm: 3 khu thuộc cao tốc Hàm Nghi - Vùng Áng, Vũng Áng - Bùng qua Hà Tĩnh; 3 khu thuộc cao tốc Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ qua Quảng Bình; 23 khu thuộc cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn qua Quảng Ngãi; 35 khu thuộc cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh qua Bình Định; 4 khu thuộc cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong qua Phú Yên; 6 khu thuộc cao tốc Vân Phong - Nha Trang qua Khánh Hòa; 2 khu thuộc cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang qua Hậu Giang.
Đến giữa tháng 2/2024, tổng sản lượng công việc đã thực hiện vượt 21% giá trị hợp đồng và nhìn chung đáp ứng được yêu cầu tiến độ đề ra. Các dự án thành phần như Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang có tiến độ thi công tốt nhất.
Tiêu biểu là dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang sau khoảng 1 năm thi công đã đạt gần 40% giá trị hợp đồng, vượt 5% so với kế hoạch. Hiện 49 mũi thi công tại công trường vẫn đang triển khai "3 ca, 4 kíp" để đạt mục tiêu đưa dự án về đích vào tháng 6/2025, rút ngắn 6 tháng so với hợp đồng.
Bên cạnh đó, dự án Hàm Nghi - Vũng Áng cũng là một trong những dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu về đích trước thời hạn khoảng 5-6 tháng.
Ngay sau Tết, 52 mũi thi công trên toàn dự án Hàm Nghi - Vũng Áng đã được huy động tăng tốc các hạng mục. Tính đến nay, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 20% giá trị hợp đồng. Trong đó, hạng mục cầu (40 cầu) trên tuyến đang có giá trị thực hiện cao nhất, đạt khoảng 55%.
Khó khăn trên công trường công trình cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
Trong năm 2024, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 được Chính phủ chỉ đạo ưu tiên giản ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy xây dựng. Ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) đánh giá cho báo Giao thông hay, số vốn gần 60.000 tỷ đồng Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao giải ngân năm 2024 là hoàn toàn khả thi.
Để các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có điều kiện về đích năm 2025, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng đang tham mưu Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu rà soát, lập tiến độ thi công cụ thể, xác định nhu cầu vốn cần thiết, tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, bổ sung thêm nguồn lực.
Bên cạnh những thuận lợi, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn đang đối mặt với khó khăn về giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu cho nhà thầu thi công tại công trường, nhất là vật liệu đắp nền.
Về công tác giải phóng mặt bằng, nhằm đảm bảo tiến độ triển khai dự án, Bộ GTVT đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân đồng thời phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương hoàn thành thỏa thuận, thẩm định phương án và tổ chức di dời đường điện cao thế.
Về công tác cung ứng vật liệu, theo kết quả tính toán của đại diện Bộ GTVT, tổng nhu cầu vật liệu đá cho 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa là hơn 17 triệu m3; cát khoảng hơn 9 triệu m3; đất đắp khoảng gần 46 triệu m3. Tuy nhiên, tình hình cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án hiện đang còn chậm so với yêu cầu.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công làm tiền đề để hoàn thành các dự án đúng tiến độ.
Để giải quyết căn cơ việc thiếu vật liệu đắp nền trong thi công các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ GTVT cho biết, cần nghiên cứu điều chỉnh Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, theo hướng cho phép giao mỏ trực tiếp để khai thác phục vụ riêng cho dự án. Việc này sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản, tạo điều kiện cho chủ đầu tư, đơn vị thi công chủ động nguồn vật liệu đắp nền đường.
Tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông là 146.990 tỷ đồng, trong giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỷ đồng.
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.153km, quy mô 4-10 làn xe (hiện quy hoạch 2.063km); hệ thống cao tốc phía Bắc (14 tuyến) dài 2.313km, quy mô 4-6 làn xe (hiện quy hoạch 2.305km); hệ thống cao tốc khu vực miền Trung - Tây Nguyên (từ 10 lên 11 tuyến) dài 1.532km, quy mô 4-6 làn xe (hiện quy hoạch 1.431km); hệ thống cao tốc phía Nam (10 tuyến) dài 1.340km, quy mô 4-10 làn xe (hiện quy hoạch 1.290km).
Đời sống & pháp luật