MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỷ lục tồi tệ chính thức bị xô đổ: Covid-19 trở thành đại dịch chết chóc nhất lịch sử nước Mỹ, vượt cúm Tây Ban Nha năm 1918

21-09-2021 - 14:10 PM | Tài chính quốc tế

Kỷ lục tồi tệ chính thức bị xô đổ: Covid-19 trở thành đại dịch chết chóc nhất lịch sử nước Mỹ, vượt cúm Tây Ban Nha năm 1918

Covid-19 vừa xô đổ kỷ lục buồn ở Mỹ khi vượt qua cúm Tây Ban Nha năm 1918 để trở thành đại dịch làm chết nhiều người nhất lịch sử hiện đại của nước Mỹ.

Dữ liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp cho thấy số ca tử vong ở Mỹ tăng lên con số 675.000 vào ngày 20/9. Số ca tử vong trung bình mỗi ngày cũng tăng lên và hiện tại đang ở mức 1.900 ca tử vong/ngày. Mỹ đang trải qua làn sóng lây nhiễm mới với biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh chóng, ngay cả đối với những người đã được tiêm vắc xin.

Trở lại gần 1 thế kỷ trước, năm 1918, đại dịch cúm còn được biết tới với cái tên cúm Tây Ban Nha đã bùng lên 3 đợt vào mùa xuân năm, mùa thu và mùa đông năm 1918 và kéo dài tới xuân năm 1919. Nó đã khiến khoảng 675.000 người Mỹ thiệt mạng. Đây được xem là đại dịch khiến nhiều người Mỹ tử vong nhất trong lịch sử hiện đại. Suốt gần 100 năm qua, kỷ lục này của nó được giữ vững. Tuy nhiên, Covid-19 đã xô đổ nó.

Tiến sĩ Howard Markel, bác sĩ và nhà sử học y tế tại Đại học Michigan, cho biết: Tôi nghĩ chúng ta đang làm khá tốt việc so sánh với lịch sử. Đã đến lúc ngừng nhìn về đại dịch năm 1918 như một lời cảnh tỉnh mà hãy suy nghĩ về tương lai từ sau năm 2021".

Bác sĩ Markel nhấn mạnh đại dịch Covid-19 sẽ được ông nghiên cứu và sử dụng làm bài giảng để các thế hệ tiếp theo hiểu về mức độ tàn khốc của dịch bệnh.

Không chỉ ông Markel, rất nhiều chuyên gia y tế khác cho rằng việc so sánh số người tử vong thực chất chỉ là cách nhìn phiến diện. Cần phản xét tới những bối cảnh khác. Cụ thể, nếu nhìn vào những tiến bộ về khoa học và công nghệ của con người trong tất cả các lĩnh vực, rõ ràng Covid-19 có một sức tàn phá lớn hơn nhiều so với dịch cúm năm 1918.

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác. Một số chuyên gia và giới thống kê nói rằng cần xem xét đến quy mô dân số khi nói đến các đợt bùng phát đại dịch. Ví dụ, năm 1918, dân số Mỹ chỉ vào khoảng 103 triệu người, chưa bằng 1/3 so với ngày nay. Chính vì thế, cứ 150 người Mỹ thì có 1 người chết vì cúm 1918 trong khi so với Covid-19 hiện nay là 1/500 người.

Ngoài ra, virus gây ra dịch cúm năm 1918 cũng khác so với Covid-19. Trong khi Sars-CoV-2 chủ yếu khiến người cao tuổi đối diện nguy cơ tử vong, cúm năm 1918 lại khiến nhiều thanh niên trai tráng thiệt mạng.

Trên toàn cầu, dịch cúm năm 1918 giết chết khoảng 20-50 triệu người. Trong khi đó, Covid-19 cũng khiến 4,7 triệu người trên toàn thế giới thiệt mạng. Để so sánh, 2 con số này có cách biệt vô cùng lớn.

Tuy nhiên, đại dịch năm 1918 hoành hành mà không có vắc xin để ngăn chặn. Cũng không quốc gia nào có khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp để chống dịch. Khi đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ là một nhóm nhỏ. Ngoài ra, không có kháng sinh, giường chăm sóc đặc biệt, máy thở hay các dịch truyền tĩnh mạch.

Các nhà khoa học khi đó thậm chí còn chưa thể nhìn thấy virus dưới kính hiển vi. Họ không có công nghệ và còn hầu như chưa biết gì về virus học. Có thể nói, con người thời kỳ đó phải chiến đấu với một kẻ thù vô hình nhưng có sức lây lan và tàn phá khủng khiếp.

Tiến sĩ Paul Offit, chuyên gia tư vấn cho FDA về vắc xin Covid-19, cho biết: "Rõ ràng chúng ta có nhiều lợi thế hơn ở thời điểm hiện tại". Tuy nhiên, điều này chỉ khiến ông Offit cảm thấy thất vọng khi con người đã không thể ngăn chặn được dịch bệnh và số ca tử vong ở Mỹ còn nhiều hơn trong quá khứ ngay cả khi có vắc xin và công nghệ.

Ông Offit chỉ trích những người Mỹ chưa tiêm vắc xin và coi đó là lý do chính khiến số ca tử vong tiếp tục tăng trong đợt bùng phát dịch bệnh hiện tại.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên