MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỷ lục vốn FDI Trung Quốc rót vào Mỹ: 50 tỷ USD trong năm 2016, tạo ra hơn 100.000 việc làm

03-01-2017 - 15:20 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc khó phá kỷ lục đầu tư 45,6 tỷ USD vào Mỹ của năm 2016 khi kỷ nguyên Donald Trump đến gần.

Trong năm 2016, doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào Mỹ ở mức kỷ lục 45,6 tỷ USD, bất chấp chiến dịch tranh cử sặc mùi đe dọa Bắc Kinh. Nhưng đó là khi ông Trump mới chỉ là ứng viên. Còn giờ đây, khi ông Trump sắp chính thức làm tổng thống, cùng với các yếu tố khác, làn sóng đầu tư của Trung Quốc sẽ khó có thể lên cao hơn nữa.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Rhodium Group, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng gấp ba trong năm 2016 so với năm 2015. Điều này cũng đưa tổng vốn đầu tư dài hạn của Trung Quốc vào tài sản hữu hình lần đầu tiên lên hơn 100 tỷ USD. Cùng với số vốn trên, các công ty Trung Quốc hiện đang tuyển dụng hơn 100.000 nhân công ở Mỹ.

Sự gia tăng đầu tư từ phía Trung Quốc đánh dấu chuyển biến trong quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong hàng thập kỷ qua, các doanh nghiệp đa quốc gia đóng trụ sở ở Mỹ đã xây dựng nhà máy và đầu tư mạnh mẽ ở Trung Quốc. Nhưng đầu tư trực tiếp theo chiều ngược lại thì không có nhiều, mặc dù Bắc Kinh đã neo hàng nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối vào trái phiếu chính phủ Mỹ.

Điều này cho thấy sự mất cân bằng trong quan hệ kinh tế giữa hai bên. Một nghiên cứu hồi tháng 11 của Ủy ban quan hệ Trung-Mỹ và Phòng thương mại Trung Quốc cho thấy, các công ty Mỹ đã đầu tư 228 tỷ USD vào Trung Quốc kể từ năm 2000. Trong báo cáo mới nhất của mình, Rhodium cho biết, đầu tư lũy kế của Trung Quốc vào Mỹ trong cùng giai đoạn đạt 109 tỷ USD, với một nửa trong số đó có được chỉ riêng trong năm ngoái.

Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng vọt trong năm 2016, bất chấp những quan ngại chính trị từ phía Quốc hội Mỹ và chiến dịch tranh cử tổng thống ồn ào, trong đó ông Trump là người chiến thắng cuối cùng. Ông Trump đã đe dọa phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc và đổ lỗi cho Bắc Kinh vì lấy mất công ăn việc làm trong ngành công nghiệp của người Mỹ.

Song, Rhodium nhận định, sự xuất hiện của chính quyền Donald Trump, đặc biệt là việc bổ nhiệm những nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, sẽ khiến doanh nghiệp Trung Quốc khó lặp lại mức đầu tư trên trong năm 2017.

Trên lý thuyết, việc tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc và tình hình kinh tế cải thiện ở Mỹ sẽ giúp thúc đẩy làn sóng đầu tư trên. Tuy nhiên, “mặc dù các chỉ số kinh tế cho thấy 2017 sẽ là một năm bùng nổ nữa của đầu tư Trung Quốc vào Mỹ, những diễn biến chính trị ở cả hai phía cho thấy các giao dịch sẽ bị hạn chế nhiều trong những tháng tới”, Rhodium nhận định.

Lo ngại về sự tháo chạy của dòng vốn trong nước, Bắc Kinh đã ra tay hạn chế hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nước này trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, Rhodium cho rằng, rủi ro lớn nhất mà các nhà đầu tư Trung Quốc gặp phải sẽ đến từ những hệ quả của cuộc bầu cử tống thống Mỹ. Các vị trí mới được ông Trump bổ nhiệm báo hiệu chủ trương cứng rắn hơn về thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Bên cạnh đó, những câu hỏi về quy trình phê chuẩn đầu tư nước ngoài dưới thời chính quyền mới vẫn còn bỏ ngỏ.

Trung Quốc từ lâu đã than phiền rằng, hoạt động đầu tư của nước này phải chịu sự kiểm tra bất công từ Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). Việc giải quyết vấn đề này là một trọng tâm trong các cuộc thảo luận giữa chính quyền Obama và Trung Quốc trước đây.

Trong một động thái hiếm hoi, tổng thống Obama đã ra tay ngăn chặn thương vụ thâu tóm tập đoàn công nghệ Aixtron của nhà đầu tư Trung Quốc vào tháng trước, theo sau một đề xuất của CFIUS. Trong quá khứ, các công ty thường chọn hủy bỏ thương vụ trước khi đề xuất của CFIUS được trình lên tổng thống.

Philips, tập đoàn công nghệ Hà Lan, đã từ bỏ thương vụ bán lại bộ phận ánh sáng Lumileds ở Mỹ, trị giá 3,3 tỷ USD, cho một quỹ đầu tư tư nhân Trung Quốc, trước sự phản đối của ủy ban trên. Unisplendour, một công ty con của tập đoàn quốc doanh Trung Quốc, Tsinghua Holdings, cũng rút lại đề nghị trị giá 3,8 tỷ USD mua lại Western Digital, một công ty lưu trữ dữ liệu của Mỹ, sau khi biết được CFIUS sẽ rà soát lại thương vụ này.

Long Nam

FT

Trở lên trên