Kỷ lục xuất nhập khẩu và chứng "mắc nghẹn" cửa khẩu
Trước tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, đầu tàu kinh tế TP HCM và các tỉnh thành Đông - Tây Nam Bộ phải thực hiện giãn cách kéo dài hơn 4 tháng, làm đứt gãy nhiều chuỗi hàng hóa nhưng xuất nhập khẩu (XNK) của cả nước trong năm 2021 vẫn xác lập kỷ lục mới.
- 31-12-2021Từ 1/1/2022, chồng 'cấm' vợ đi làm bị phạt đến 5 triệu đồng
- 30-12-2021Mới: Đề xuất danh sách bệnh được hưởng BHXH một lần
- 30-12-2021Đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2021 giảm 1,6 lần do một dự án của PVN
Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch XNK cả năm ước đạt 668,5 tỉ USD, tăng 22,6%, tương đương 123 tỉ USD so với năm 2020. Đây có thể xem là mảng sáng của bức tranh tối đáng ghi nhận.
Cơ cấu hàng hóa, thị trường và giá trị so sản lượng xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch tích cực. Thị trường xuất khẩu đa dạng hơn, nhất là sự tăng trưởng ở các thị trường mới, khó tính như EU, Mỹ. Các doanh nghiệp đã tìm kiếm được những thị trường thay thế để đẩy mạnh xuất khẩu nhằm bù đắp được sụt giảm kim ngạch ở các thị trường truyền thống.
Một loạt mặt hàng xuất khẩu của chúng ta tiếp tục lọt vào tốp đầu thế giới, như xuất khẩu điều và hồ tiêu đứng đầu thế giới, khi chiếm khoảng 60% lượng hạt tiêu xuất khẩu toàn cầu; gạo, cà phê, giầy dép đứng thứ 2; xuất khẩu thủy sản thứ 3 thế giới, trong đó cá tra xếp hàng đầu, còn tôm đứng thứ 5. Đặc biệt, năm 2021, thị phần dệt may Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 39 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2020; xuất khẩu sang một số thị trường lớn tăng cao, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Tuy vậy, trong bức tranh XNK vẫn còn những khoảng tối. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Những hạn chế, yếu kém nội tại về sản xuất nhỏ, phân tán, mặc dù đã được khắc phục nhiều nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế, do đó chưa đáp ứng được hoàn toàn những nhu cầu của thị trường.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất của hàng nông, thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các mặt hàng nông sản như gạo, dưa hấu, khoai lang, trái cây... cứ bị ùn ứ vào dịp cuối năm, gần Tết hoặc ngay khi nước bạn "chuyển trạng thái" thông quan. Tình trạng này tái diễn như một điệp khúc do nông nghiệp bị đứt gãy kết nối với công nghiệp chế biến và tiêu thụ với các chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ logistics cơ bản yếu kém đã lộ diện từ nhiều năm qua.
Nhìn ở chiều ngược lại, phía nước bạn cũng xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa cửa khẩu, cho thấy nhập khẩu đang gặp vấn đề do chủ yếu mua bán tiểu ngạch, thời vụ và nông sản thô. Vì vậy, tình trạng hàng ngàn xe tải hàng hóa ùn ứ mỗi ngày tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc nhiều tuần qua đến nay vẫn chưa được giải tỏa là một triệu chứng của bất cập sản xuất - tiêu thụ hàng hóa.
Để chữa trị chứng "mắc nghẹn" ở các cửa khẩu, cần những liều thuốc trước mắt, các biện pháp ngắn hạn nhưng quan trọng hơn là hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp căn cơ, lâu dài. Theo đó, không chỉ với yêu cầu điều hành hoạt động xếp tài, thông quan, kiểm soát cửa khẩu của ngành công thương, cơ quan hải quan mà cần thiết phải có sự phối hợp liên ngành, từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu .
Nhìn ở góc độ kinh tế và thị trường, cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó. Yêu cầu chuyển đổi căn bản từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và ngành kinh tế tích hợp công thương nhưng phải là cuộc chuyển đổi về chất. Không thể khuyến cáo doanh nghiệp "điều tiết" nguồn cung hàng hóa ra các cửa khẩu hợp lý để tránh ùng ứ, trong khi họ thiếu công cụ hỗ trợ, thiếu các dịch vụ hậu cần logistics tích hợp đa chức năng có thể đáp ứng yêu cầu chế biến, bảo quản, trữ lạnh nông sản.
Người lao động