Kỳ "ngủ đông" của thị trường địa ốc phía Nam tiếp tục kéo dài
Thị trường bất động sản TP.HCM và vùng ven tiếp tục ghi nhận tình trạng "trầm lắng", xuất hiện nhiều giao dịch cắt lỗ, bán giá gốc hợp đồng nhằm thu hồi dòng vốn, tuy nhiên gần như không phát sinh giao dịch thành công.
- 09-12-2022Loạt doanh nghiệp bất động sản Novaland, Phát Đạt, CenGroup... "chạy đua" mua lại nợ trước hạn
- 09-12-2022Các doanh nghiệp địa ốc đang phải “chịu đau” để tồn tại
- 08-12-2022Chuyên gia: Thời điểm cuối năm sẽ lộ diện “đáy” đầu tiên của bất động sản
Giảm giá bán căn hộ
Theo báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM và vùng ven tháng 11 của DKRA, nhận thấy hầu hết nguồn cung lẫn sức cầu của các phân khúc đều suy giảm mạnh.
Cụ thể, ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới sụt giảm đáng kể, toàn thị trường có 9 dự án (2 dự án mới, 7 dự án giai đoạn tiếp theo) với 581 căn, chỉ bằng 19% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, TP.HCM và Bình Dương lần lượt chiếm 75% và 25% tổng số căn hộ mở bán. Các địa phương còn lại tiếp tục tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Tại TP.HCM, các dự án tập trung chủ yếu tại khu đông. Phân khúc căn hộ hạng sang vươn lên chiếm 36% tổng nguồn cung toàn thành phố. Mức giá cao nhất chạm ngưỡng 430 triệu đồng/m2.
Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới toàn thị trường chỉ đạt 37%. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ hấp thụ ở các dự án chỉ dao động phổ biến từ 30 - 40% lượng sản phẩm đưa ra thị trường.
Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động. Tại TP.HCM, các dự án mở bán trong tháng có giá dao động từ 43 - 430 triệu đồng/m2. Tại Bình Dương, giá dao động từ 19 - 49 triệu đồng/m2.
Mức hấp thụ thấp, một số chủ đầu tư đã tiếp tục áp dụng chính sách chiết khấu thanh toán nhanh lên đến 40 - 50% giá trị bất động sản nhằm kích cầu thị trường.
Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản cũng tiếp tục sụt giảm. Giá bán ghi nhận giảm 3 - 5% so với tháng trước. Tình trạng giảm giá phần lớn đến từ những giao dịch mà bên bán cần bán gấp để phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân, giảm áp lực do lãi suất cho vay leo thang.
Nói về thị trường, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Group cho biết, thị trường bất động sản đang rơi vào trạng thái "ngủ đông" khi nguồn cung và sức cầu liên tục ghi nhận giảm mạnh kể từ giữa quý II, ở một số phân khúc sức cầu chỉ bằng 10-20% so với đầu năm 2022. Xu hướng giảm chưa có dấu hiệu dừng lại và có thể sẽ lan trên diện rộng.
Thị trường thứ cấp liên tục xuất hiện giao dịch cắt lỗ
Ở phân khúc nhà phố, biệt thự, toàn thị trường có 9 dự án (1 dự án mới và 8 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo) với 318 căn, giảm đến 77% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung tập trung chủ yếu tại Đồng Nai, chiếm 52,8% tổng nguồn cung. Lượng tiêu thụ mới đạt 172 căn, giảm đến 83% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ tiêu thụ đạt 54%, tăng gấp 4,5 lần so với tháng 10, tuy nhiên chỉ bằng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho được mở bán lại trong tháng chiếm tỷ lệ 70-90% trên tổng giỏ hàng với mức giá không có sự thay đổi so với lần mở bán trước đó. Thị trường thứ cấp liên tục xuất hiện những giao dịch cắt lỗ, bán giá gốc hợp đồng nhằm thu hồi dòng vốn tuy nhiên thanh khoản vẫn rất trầm lắng, gần như không phát sinh giao dịch thành công.
Dự báo trong tháng 12, nguồn cung và lượng tiêu thụ vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương và Long An. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh vẫn tiếp tục chuỗi ngày khan hiếm nguồn cung mới.
Về giá bán sơ cấp, tại TP.HCM ghi nhận mức giá cao nhất lên đến 92,8 tỷ đồng/căn, thấp nhất là 5,2 tỷ đồng/căn; Đồng Nai mức giá cao nhất là 63,7 tỷ đồng/căn, thấp nhất là 11,6 tỷ đồng/căn; Bình Dương mức giá cao nhất 16,2 tỷ đồng/căn, thấp nhất là 3,3 tỷ đồng/căn; Long An là địa phương có mặt bằng giá dễ chịu nhất khi giá cao nhất chỉ 4,8 tỷ đồng/căn, thấp nhất là 4,7 tỷ đồng/căn.
Tuy nhiên, xét về lâu dài, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, các sản phẩm căn hộ hay biệt thự/liền kề với vị trí và chất lượng tốt vẫn sẽ nhận được nhiều quan tâm.
Nhịp sống thị trường