Kỷ nguyên lãi suất âm tại châu Âu kết thúc
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã tăng lãi suất chuẩn lên 0,5% - một sự thay đổi nhằm chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm ở châu Âu vào ngày 22/9. Như vậy, Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn cuối cùng có mức lãi suất âm. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.
- 22-09-2022Giữa bão giá năng lượng, một quốc gia châu Âu ra mắt website phân phối củi
- 22-09-2022Khí đốt chỉ còn đủ cho 3 tháng, châu Âu nghĩ đủ mọi kế để tiết kiệm
- 21-09-2022Giá năng lượng tăng vọt buộc nhiều nhà máy châu Âu phải đóng cửa
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã tăng lãi suất chuẩn lên 0,5% - một sự thay đổi nhằm chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm ở châu Âu vào ngày 22/9. Động thái này diễn ra sau khi lạm phát ở Thụy Sĩ đạt 3,5% vào tháng trước - mức cao nhất trong 3 thập kỷ.
Hồi giữa tháng 6, ngân hàng trung ương Thụy Sĩ đã nâng lãi suất chính sách lần đầu tiên trong 15 năm, lên mức -0,25%. Trước đó, con số này được duy trì ổn định ở mức -0,75% kể từ năm 2015.
Ngân hàng này cho biết, việc tăng lãi suất chính sách nhằm “chống lại sự gia tăng mới của áp lực lạm phát và sự lây lan sang hàng hóa, dịch vụ”, đồng thời nhấn mạnh đó là chính sách “không thể bị loại trừ”.
Kỷ nguyên lãi suất âm tại Châu Âu kết thúc. Ảnh: Reuters.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, Thụy Sĩ là quốc gia cuối cùng ở châu Âu áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khu vực đã tích cực tăng lãi suất để giải quyết lạm phát tăng cao.
Như vậy, Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn cuối cùng có mức lãi suất âm, sau khi Ngân hàng Trung ương nước này quyết định giữ nguyên lãi suất -0,1% vào ngày 22/9.
Trước đó, Đan Mạch đã chấm dứt chuỗi lãi suất âm kéo dài gần một thập kỷ vào ngày 8/9, khi tăng lãi suất chuẩn thêm 75 điểm cơ bản lên 0,65%. Ngân hàng trung ương Thụy Điển cũng đã tăng lãi suất lên 1,75% vào ngày 20/9 sau khi Riksbank cảnh báo “lạm phát quá cao”.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất cơ bản lên mức dương để "hạ nhiệt" nền kinh tế vào ngày 8/9. Theo Edward Scicluna, thành viên Hội đồng quản trị ECB, trong tương lai ECB có thể tiếp tục tăng lãi suất, nhưng sẽ không “mạnh tay” như những đợt trước.
Cũng trong ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp, đưa lãi suất cơ bản lên 2,25%, mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.
Lạm phát tại Anh đã giảm nhẹ vào tháng 8 nhưng vẫn ở mức 9,9%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hang trung ương. Nếu không tính giá năng lượng và thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng của các loại hàng hóa khác, hay còn gọi là CPI cốt lõi, đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021.
BOE hiện kỳ vọng lạm phát sẽ đạt đỉnh dưới 11% vào tháng 10, giảm so với mức dự báo trước đó là 13%.
Mức tăng thấp hơn dự kiến diễn ra trong bối cảnh BoE thừa nhận nền kinh tế Anh đã rơi vào suy thoái. GDP được dự báo điều chỉnh giảm 0,1% trong quý III, so với dự báo trước đó là tăng trưởng 0,4%.
Trước đó, giới chuyên gia và hiệp hội kinh doanh Phòng Thương mại Anh đã dự báo nước này sẽ bước vào một cuộc suy thoái trước giai đoạn cuối năm. Ngoài những cú sốc về giá năng lượng, Anh còn phải đối mặt với những tắc nghẽn thương mại do COVID-19 và Brexit, tâm lý người tiêu dùng suy giảm và doanh số bán lẻ giảm.
Người đồng hành