MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ký quỹ trước là ưu việt

Với thị trường chứng khoán phái sinh thì mô hình ký quỹ trước giúp quản lý chặt và đề cao liệu pháp quản lý rủi ro mà chúng ta đặt ra.

Dù thời gian để TTCK phái sinh đi vào hoạt động đã gấp rút, nhưng cho đến thời điểm này vẫn còn một số thắc mắc từ thành viên thị trường cần được giải tỏa.

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC cho biết, vướng mắc lớn nhất với đơn vị này là các quy định liên quan đến mô hình thanh toán. Trong dự thảo vừa qua có nêu rất rõ mô hình thanh toán giữa thành viên và thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), nhưng hoàn toàn không có hướng dẫn thanh toán giữa khách hàng và thành viên.

“Nếu như không có hướng dẫn này thì chúng tôi cũng thiết kế được mô hình nào đó, tuy nhiên có thể sẽ gặp vướng mắc về cơ sở pháp lý, cũng như không có logic nào để nói với khách hàng rằng mình sẽ làm cái này hay cái kia, đóng vị thế bắt buộc hay tiêu chí bổ sung...”, ông Giang nói.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt cũng có thắc mắc liên quan đến việc thanh toán giữa CTCK và khách hàng. CTCK Bảo Việt mong muốn làm rõ hơn giữa tài khoản mở cho NĐT với CTCK, vì theo dự thảo thông tư chưa được rõ ràng.

“Nếu quy định như dự thảo thông tư, theo hình thức yêu cầu các NĐT khi tham gia TTCK phái sinh phải trực tiếp mở tài khoản tại ngân hàng và sau đó kết nối với CTCK, thì sẽ rất phức tạp trong quá trình kết nối…”, ông Hòa phản ánh.

Về vấn đề này, Phó tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) Dương Ngọc Tuấn thừa nhận, đúng là mô hình thanh toán của nước ta có sự khác biệt với mô hình khác. Đặc biệt mô hình ký quỹ mà các nước đang áp dụng hiện nay là mô hình ký quỹ sau mà không phải ký quỹ trước. Nhưng khi xây dựng thị trường và xây dựng thông tư hướng dẫn, chúng ta đã lựa chọn mô hình ký quỹ trước. Sự lựa chọn này dựa trên chính sách có sự phối hợp với các chuyên gia và nhà thầu kỹ thuật.

Cũng theo ông Tuấn, mô hình ký quỹ trước là mô hình rất mới, rất ít thị trường áp dụng, nhưng trong quá trình thảo luận với các chuyên gia quốc tế đều khẳng định đây là xu thế phát triển trong tương lai và xu thế này càng củng cố sau khi có một số rủi ro xảy ra với thị trường tài chính toàn cầu. Đặc biệt, với TTCK phái sinh thì mô hình này giúp quản lý chặt và đề cao liệu pháp quản lý rủi ro mà chúng ta đặt ra.

Ông Tuấn cũng khẳng định, mô hình ký quỹ trước là mô hình ưu việt, đảm bảo an toàn cho thị trường mới. Hiện nay, trong nghị định và thông tư đã quy định quyền và nghĩa vụ của thành viên bù trừ đối với khách hàng của mình. Trong thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính cũng trao quyền rất lớn cho các thành viên, chẳng hạn trong trường hợp NĐT mất khả năng thanh toán, thì thành viên được quyền yêu cầu ký quỹ và sử dụng tài sản ký quỹ của NĐT để thực hiện thanh toán thay cho nghĩa vụ của NĐT…

Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Nguyễn Thành Long cho biết thêm, hiện nay về cơ bản công tác chuẩn bị cho TTCK phái sinh hoàn toàn đúng tiến độ. Đến thời điểm này đã tiếp nhận phiên bản cuối cùng và để chuẩn bị cho các thử nghiệm giữa các thành viên với VSD và hệ thống giao dịch. Hệ thống quy trình quy chế đang gấp rút hoàn thiện và đang lấy ý kiến thành viên thị trường. Việc thiết kế các sản phẩm đầu tiên cũng đã xong và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ông Long cho rằng, vấn đề hiện nay không còn ở phía cơ quan quản lý, VSD hoặc là HNX, mà quan trọng hơn là cần sự chủ động, tích cực hơn ở phía thành viên thị trường. Đặc biệt là các CTCK cần có sự đầu tư mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong chỉ đạo để có được hệ thống giao dịch kết nối với các sở và VSD…

Theo Thái Hương

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên