MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Kỹ sư 2 bằng đại học như bạn, làm cả tháng không bằng tôi cho thuê một căn nhà': Lời nói của ông hàng xóm dù chạnh lòng nhưng đó là sự thật mà tôi không cãi được!

22-02-2023 - 14:02 PM | Sống

Học đại học xong vẫn nghèo, học đại học xong vẫn thất nghiệp....đó là câu chuyện muôn thuở và chẳng của riêng ai. Thế nhưng, có trong chăn thì mới biết chăn có rận, bởi ai ở thời sinh viên chẳng từng có ước mơ sau này được làm ông này bà nọ, có tiền mua nhà nơi thành phố... Chỉ là, cuộc đời không màu hồng như ta tưởng, nhất là khi những người quanh ta tuy họ "nghèo về sách vở" lại giàu có hơn ta trong đường đời.

Tôi là dân tỉnh lẻ, lên Hà Nội học rồi định cư. Ra trường với hai tấm bằng đại học, đi làm đến nay đã được gần chục năm, mức lương của tôi vào khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng - mức trung bình khá ở Việt Nam.

Người ta vẫn có câu: Đại học là con đường ngắn nhất để dẫn đến thành công, vậy nên ngay từ khi còn là học sinh, tôi đã được bố mẹ nhồi nhét tư tưởng này vào đầu và suốt ngày chỉ biết học mà thôi.

Song, bố mẹ tôi lại quên đi vế thứ hai của câu nói này... đại học là con đường ngắn nhất chứ không phải con đường duy nhất.

 Kỹ sư 2 bằng đại học như bạn, làm cả tháng không bằng tôi cho thuê một căn nhà: Lời nói của ông hàng xóm dù chạnh lòng nhưng đó là sự thật mà tôi không cãi được!  - Ảnh 1.

Học đại học xong thì lo việc làm, khi có việc làm lại lo lương lậu, kiếm tiền khiến cuộc đời như một vòng luẩn quẩn khó thoát - Ảnh minh họa

Ông chủ chỗ tôi đang trọ sống một mình, vợ mất sớm, các con đều đã xây dựng gia đình và ở riêng. Ông có 2 căn nhà: Một là căn chung cư để ông sống thường ngày và một là khu chung cư mini cỡ khoảng 20 phòng cho thuê. Giá của căn rẻ nhất rơi vào khoảng 5 triệu/tháng chưa kể tiền điện nước, vậy là mỗi tháng ông bỏ túi cỡ 100 triệu, gấp 5 lần lương của tôi. Đấy là chưa kể chú vẫn thỉnh thoảng "lướt sóng" bất động sản.

Có lần chú sang thu tiền nhà, hai chú cháu tiện ngồi nói vài ba câu chuyện. Tôi nghe mà thấy chạnh lòng nhưng cũng vỡ lẽ ra nhiều bài học.

Chú thẳng thắn bảo: "Chúng mày học cao hiểu rộng rồi cũng phải đi ở nhà thuê của tao. Thằng kỹ sư 2 bằng đại học như mày, làm hì hục cả tháng không bằng tao cho thuê nhà, làm cả đời không bằng tiền lời tao bán một miếng đất".

Chú kể rằng, ngày xưa nhà chú cũng thuộc hàng khá giả. Bố mẹ cho một căn nhà và 10 cây vàng. Tuy không được học hành tử tế, bằng cấp cũng chỉ hết lớp 5 nhưng chú rất tự tin rằng đầu mình rất "sáng" và nhạy bén. Thời trước, đất rẻ, mọi người lại có xu hướng thích sống trong ngõ hẻm để làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau nên đất mặt đường lại càng thừa nhiều.

Chú lấy hết số vàng đi mua đất. Sau này trúng đúng khu dự án Nhà nước mở rộng làm đường và đất thành phố thì mặc nhiên càng ngày càng đắt nên chú lãi to.

Sau đó, chú lại tiếp tục dùng tiền đi buôn đất, đầu tư thứ này thứ khác. Cũng có lúc thua lỗ nhưng ông trời thương nên tiền vẫn đẻ ra tiền. Đến khi về già, chú chỉ giữ lại một mảnh xây nhà trọ theo dạng chung cư mini; một căn để sinh sống và hai căn khác thì chia đều cho 2 con trai.

 Kỹ sư 2 bằng đại học như bạn, làm cả tháng không bằng tôi cho thuê một căn nhà: Lời nói của ông hàng xóm dù chạnh lòng nhưng đó là sự thật mà tôi không cãi được!  - Ảnh 2.

Mua nhà ở thành phố là điều không đơn giản, thậm chí là ước mơ cả đời người - Ảnh minh họa

Mỗi tháng, chú chi tiêu ăn uống cũng đơn giản, chỉ mất vài triệu, thêm tiền bia hơi cùng bạn bè cũng chẳng tốn là bao. Số tiền dành dụm được và tiền cho thuê nhà chú đều gửi lãi ngân hàng, thỉnh thoảng có vụ buôn đất cát nào ngon lành, chú lại đầu tư chớp nhoáng lấy lãi ít mà chắc chắn.

"Đến khi tao chết tiền cũng không mang đi được, tao để lại cho các con các cháu thôi. Nhưng giờ còn khỏe, còn minh mẫn thì tao vẫn thích làm ăn cùng hội trẻ vì chúng nó bây giờ rất khôn, giỏi hơn bọn tao thời xưa nhiều. Tao làm cùng cũng là học thêm được nhiều thứ. Chứ cứ sáng đi làm, tối lại về nhà ăn cơm ngủ nghỉ như dân văn phòng thì cuộc đời chẳng mấy mà trôi qua hết", chú tâm sự.

Nghĩ lại, tôi cảm thấy buồn cho những người trẻ thế hệ đầu và giữa 9X. Chúng tôi đến thành phố học tập và làm việc khi mặt bằng giá nhà đất đã quá cao. Trong số bạn bè đồng trang lứa, trừ một số rất ít cá nhân có năng lực vượt trội, đủ khả năng mua được nhà, còn lại đối với đại đa số, ước mơ sở hữu một nơi an cư lạc nghiệp ở mảnh đất này dường như là quá xa vời.

Lương của tôi nghe có vẻ không quá thấp nhưng cũng chỉ đủ ăn và tích lũy được một ít. Đó là khi tôi chưa có vợ con, lối sống lành mạnh không nhậu nhẹt chứ nếu đã lập gia đình thì chắc chắn là không đủ.

 Kỹ sư 2 bằng đại học như bạn, làm cả tháng không bằng tôi cho thuê một căn nhà: Lời nói của ông hàng xóm dù chạnh lòng nhưng đó là sự thật mà tôi không cãi được!  - Ảnh 3.

Đàn ông sợ nhất là biết mình nghèo nhưng không tìm được cách thoát nghèo

Làm một bài toán đơn giản thế này, nếu mỗi tháng tôi dư được 10 triệu đồng, thì một năm tôi có 120 triệu đồng. Sau 20 năm đi làm, nếu không đau ốm, bệnh tật; không phát sinh bất cứ thứ gì thì tôi sẽ dành dụm được khoảng 2,4 tỷ đồng.

Số tiền này ở thời điểm hiện tại, tôi sẽ mua được một căn chung cư khoảng 2 phòng ngủ nhưng diện tích nhỏ và xa trung tâm thành phố. Điều quan trọng là, lúc ấy tôi đã ngót nghét 50 tuổi.

Chắc chắn tôi sẽ cần thay đổi chiến lược xây dựng cuộc đời. Chỉ là bằng cách nào, con đường nào và mất thời gian bao lâu thì đó vẫn là những dấu hỏi chấm mà thằng con trai đang lạc lối như tôi cố gắng tìm ra câu trả lời.

*** Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Theo Nguyễn Phượng

Thể thao văn hóa

Trở lên trên