MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ tích cá tra Việt Nam: Chinh phục thành công thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản

26-01-2023 - 14:02 PM | Thị trường

Một thành viên của Bộ Thương Mại Mỹ nói rằng rất khâm phục tinh thần sẵn sàng đương đầu của DN Việt Nam trước vụ kiện chống bán phá giá. Bởi có một số nước đã không dám đương đầu, rời bỏ hẳn thị trường Mỹ khi bị áp thuế chống bán phá giá.

Kỳ tích ngoài mong đợi

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với kim ngạch XK từ 1,5-2,4 tỷ USD/năm, riêng con cá tra đã chiếm 16-26% tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam. Năm 2022, XK cá tra mang về 2,4 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, vượt cả năm đỉnh trước đó là năm 2018 (2,26 tỷ USD), tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng thủy sản XK.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - nói rằng, kết quả XK cá tra năm 2022 là một kỳ tích, vượt mong đợi, bởi nó đến trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dịch bệnh… Trong khi đó, mức đỉnh 2,26 tỷ USD của ngành cá tra trước đó được lập năm 2018 trong một bối cảnh thuận lợi hơn.

Theo ông Quốc, thành tích này có được nhờ vào sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và đặc biệt là nỗ lực vượt khó, năng lực của các doanh nghiệp (DN) trong ngành cá tra, một lần nữa khẳng định cộng đồng DN đủ sức vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ngày càng đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới...

Kỳ tích cá tra Việt Nam: Chinh phục thành công thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản - Ảnh 1.

Chế biến cá tra xuất khẩu.

Chinh phục thị trường

Theo VASEP, tới năm 2022, cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường truyền thống, khắt khe về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản...

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự VASEP - cho biết: Riêng về cá tra, để ngăn cản cạnh tranh với cá catfish, phía Mỹ đã lần lượt đưa ra rất nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật từ thấp đến tinh vi. Khởi đầu là việc Quốc hội không cấp ngân sách cho Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) để kiểm tra cá tra nhập khẩu, rồi không cho cá tra Việt Nam mang tên catfish. Khi áp thuế chống bán phá giá không ngăn cản được, Mỹ đã chuyển quản lý cá tra từ FDA sang Bộ Nông nghiệp để áp chỉ riêng cho ngành sản xuất cá tra các tiêu chuẩn vốn trước nay sử dụng cho các vật nuôi trên cạn.

“Nhưng kết quả là chúng ta đã vượt qua tất cả. Từ một DN nay có nhiều DN đạt thuế suất bán phá giá bằng “zero”, cá tra tiếp tục gia tăng XK vào Mỹ, đồng thời cũng mở ra thành công tại nhiều thị trường lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản… Một thành viên của Bộ Thương Mại Mỹ nói với chúng tôi là rất khâm phục tinh thần sẵn sàng đương đầu của DN Việt Nam trước vụ kiện chống bán phá giá. Bởi có một số nước đã không dám đương đầu, rời bỏ hẳn thị trường Mỹ khi bị áp thuế chống bán phá giá” - Chủ tịch danh dự VASEP chia sẻ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cá tra là loài thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đây cũng là sản phẩm quốc gia và được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước ĐBSCL, ngành cá tra không ngừng phát triển và hiện đã trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu.

Kỳ tích cá tra Việt Nam: Chinh phục thành công thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản - Ảnh 2.

Nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, quan điểm chung trong phát triển cá tra ở ĐBSCL tới đây cần theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn… nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường XK và tiêu thụ trong nước.

Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra, cần nhiều giải pháp đồng bộ như liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và DN; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị, sử dụng hiệu quả phụ phẩm và phát triển thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ bao gồm thị trường XK, thị trường tiêu dùng nội địa.

Đặc biệt, phải tập trung nâng cao chất lượng con giống, chất lượng di truyền về một số tính trạng như tăng trưởng, kháng bệnh.... Cùng với đó là ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và XK. “Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch và đưa ra định hướng phát triển thời gian tới một cách hợp lý, không để phá vỡ quy hoạch, không chủ trương mở rộng diện tích quá nhiều nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu” - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Năm 2022, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.500ha; sản lượng 1,6 triệu tấn; kim ngạch XK đạt 2,4 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2023, ngành cá tra đặt mục tiêu sản lượng 1,6 triệu tấn, kim ngạch XK đạt 2,3 tỷ USD.

Theo Cảnh Kỳ

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên