Kỳ tích đóng tàu của Việt Nam: Thời khắc lịch sử khiến hàng nghìn người vỡ òa, "mỏ vàng” trăm tỷ đô hé mở
Sau cuộc điện thoại, Đại tá Nguyễn Văn Đắc, Chính ủy Nhà máy Z173 "vỡ òa trong nước mắt". Khoảnh khắc lịch sử mà hàng nghìn người chờ đợi đã đến với ngành đóng tàu Việt Nam.
Theo website chính thức của Cảnh sát biển Việt Nam, vào ngày 9/1 vừa qua, tại Hà Nội, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Trung tướng Lê Quang Đạo, đã chủ trì Hội nghị ký kết hợp đồng thi công đóng mới 3 tàu tuần tra cao tốc TT-400 (chiếc số 11, 12 và 13) cho lực lượng này.
Các đại biểu tại Hội nghị đánh giá TT-400 có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam nhờ khả năng hoạt động xa bờ dài ngày trên biển, sức chịu đựng sóng gió tốt, có khả năng quay trở linh hoạt và độ ổn định cao.
Đáng lưu ý, đây là mẫu tàu được Nhà máy Z173 (hay công ty TNHH Một thành viên đóng tàu Hồng Hà), đóng mới thành công dựa trên thiết kế sơ bộ mua của nước ngoài, sau đó trở thành cơ sở truyền cảm hứng để nhà máy Z173 tiếp tục cho ra đời mẫu tàu pháo TT-400TP do các kỹ sư Việt làm chủ công nghệ chế tạo, ghi dấu ấn tinh hoa khí tài "Made in Vietnam".
Từ TT-400 đến TT-400TP: Kỳ tích đóng tàu của Việt Nam
Theo tạp chí Army Recognition (Bỉ), vào sáng 27/9/2011 – thời điểm cơn bão số 5 hoành hành, Đại tá Nguyễn Văn Đắc, Chính ủy Nhà máy Z173 đã nhận được cuộc điện thoại khiến không chỉ ông mà tất cả các thành viên trong nhà máy "vỡ òa trong nước mắt": Chiếc tàu pháo "Made in Vietnam" đầu tiên đã bắn trúng mục tiêu ngay từ loạt bắn đầu trong cuộc thử nghiệm.
Đây là "khoảnh khắc lịch sử mà hàng nghìn cán bộ, kỹ sư và công nhân trong nhà máy đã chờ đợi từ lâu".
"Thật bất ngờ, các chuyên gia nước ngoài cho biết, thông thường, mẫu tàu tương tự đóng mới ở nước họ phải mất nhiều lần mới bắn trúng mục tiêu. Nhưng tàu do Việt Nam sản xuất đã khai hỏa chính xác ngay từ lần đầu tiên" – Đại tá Đắc cho biết khi trả lời truyền thông trong nước.
Theo nữ phóng viên My Lăng đến từ Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh – người trực tiếp có mặt tại cuộc thử nghiệm và chứng kiến thời khắc tự hào của ngành đóng tàu quân sự nước nhà, kết quả này đạt được là nhờ một hành trình dài với quyết tâm cao độ của lãnh đạo Nhà máy Z173, dựa trên thành công đóng mới tàu cảnh sát biển TT-400 theo thiết kế sơ bộ mua của nước ngoài.
Thời điểm đó, khi đứng trước câu hỏi hóc búa là "tự đóng tàu chiến hay mua của nước ngoài", các lãnh đạo Nhà máy Z173 đã đi tới một quyết định "chưa từng có tiền lệ": Tự bỏ tiền mua thiết kế sơ bộ tàu pháo rồi báo cáo, chứng minh và thuyết phục Quân chủng Hải quân, cũng như Bộ Quốc phòng tin rằng: Các kỹ sư giỏi, thợ lành nghề của Z173 "chắc chắn đóng được tàu pháo".
"Con tàu này chỉ tốn của chúng tôi khoảng 1 triệu USD, trong khi 1 tàu chiến tương tự trên thị trường toàn cầu có giá lên tới 10 triệu USD. Như vậy, chúng tôi tiết kiệm được tới 90%," Giám đốc Nhà máy Z173 thời điểm đó là Đại tá Nguyễn Văn Cường cho hay.
Thách thức trong công tác chế tạo là phải tạo ra một cấu trúc vững chắc cho tàu từ thép đặc chủng, không bị rung lắc hay biến dạng khi bắn, tích hợp cho tàu hệ thống vũ khí điều khiển tự động, và phải đảm bảo các loại khí tài trên tàu hoạt động với độ chính xác cao khi hoạt động trên biển hay trong các điều kiện thời tiết bất lợi.
Vượt qua nhiều khó khăn, tháng 8/2011, chiếc tàu pháo TT-400TP đầu tiên được hạ thủy, khiến các chuyên gia nước ngoài ngạc nhiên về năng lực của ngành đóng tàu Việt Nam khi làm chủ các công nghệ đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.
Ký hiệu TT nghĩa là "tuần tra", 400 là lượng giãn nước tương đối của tàu và TP là "tàu pháo". Tàu trang bị nhiều loại khí tài hiện đại như pháo AK-630, AK-176, tên lửa phòng không tầm thấp, hệ thống nhận biết địch-ta, hệ thống quang điện từ, radar tiên tiến…
Tạp chí quốc phòng IHS Jane's Fighting Ship (Anh) đánh giá cao việc tàu TT-400TP có thể đạt tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ với phạm vi hoạt động lên tới 2.500 hải lý. Trong khi đó, Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, trụ sở tại Singapore) gọi tàu TT-400TP là "bước đột phá" của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Tỏa sáng ở sự kiện quốc tế
7 năm sau cuộc thử nghiệm đầu tiên, theo hãng tin Sputnik (Nga), Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh với quốc tế khi giới thiệu mẫu tàu pháo cao tốc TT-400TP tại triển lãm IndoDefence 2018 với quy mô lớn bậc nhất khu vực, ấn định tiến bộ vượt bậc của ngành công nghiệp đóng tàu quân sự nội địa.
Đáng lưu ý, hãng tin Nga đánh giá TT-400TP rất có tiềm năng xuất khẩu, khi hội tụ cả điều kiện cần và đủ để thu hút khách quốc tế. Mẫu tàu này có tính năng kỹ - chiến thuật vượt trội như tầm hoạt động rộng (2.500 hải lý), tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ.
Đặc biệt, TT-400TP có thể hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm, với khả năng tác chiến trong điều kiện sóng cấp 5, chạy trong điều kiện gió cấp 9,10 và sóng cấp 8. So với mẫu tàu tuần tra Svetlyak tương tự của Nga, tàu pháo TT-400TP không thua kém về trang bị, trong khi lại vượt trội về tốc độ, cũng như khả năng tuần tra dài ngày.
Bên cạnh đó, với việc Việt Nam chủ động được nhiều vật liệu trong nước trong quá trình chế tạo, TT-400TP hứa hẹn sẽ có giá cả phải chăng nếu được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, trong khi vẫn đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về quản lý chất lượng đối với các sản phẩm quân sự.
Ngành đóng tàu Việt Nam tiến tới "mỏ vàng" trăm tỷ đô
Đánh giá chung về ngành đóng tàu quân sự Việt Nam, Sputnik cho rằng, thời gian qua, ngành này đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ khi cho ra đời sản phẩm chất lượng cao, đánh dấu bước đột phá quan trọng, giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, trong khi tăng cường cơ hội xuất khẩu.
"Ngành đóng tàu Việt Nam đã đứng vững trên hai chân" – Sputnik nhận định, đề cập tới những con tàu hiện đại do Việt Nam tự chế tạo cho cảnh sát biển, kiểm ngư, và các sản phẩm tàu quân sự đã được Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Có thể kể tới hợp đồng cung cấp hàng chục tàu tuần tra bằng nhựa cao cấp và vỏ thép chống đạn đại liên cho đối tác Nigeria, tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn và tàu huấn luyện đa năng (Multirole Aviation Training Vessel - MATV) cho Hải quân Hoàng gia Australia, tàu tuần tra Stan Patrol 5009 (SPa 5009) cho Hải quân Venezuela, cùng tàu vận tải - đổ bộ Stan Lander 5612 cho Hải quân Bahamas…
Riêng Nhà máy Z173 nổi bật với các sản phẩm tàu hiện đại, như tàu phục vụ điện gió; tàu ADS2810 cho Tập đoàn DAMEN (Hà Lan) và xuồng HH11T cho Tập đoàn Ghana (Nigeria)…
Theo báo cáo tại buổi kiểm tra của đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn vào tháng 11/2024, chỉ trong 10 tháng cùng năm, Nhà máy Z173 đã triển khai thi công 17 sản phẩm quốc phòng đóng mới, 14 sản phẩm quốc phòng sửa chữa, 38 sản phẩm kinh tế.
Giá trị sản xuất của nhà máy đạt 1.375 tỷ đồng, doanh thu 1.039 tỷ đồng, nộp ngân sách 30 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 11,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân 16,8 triệu đồng/người/tháng.
Đề cập tới tiềm năng xuất khẩu tàu quân sự và các sản phẩm tàu nội địa khác trong bài viết đăng trên "Tạp chí quốc phòng Toàn dân" tháng 4/2024, Thượng tướng Phạm Văn Tuấn – Giám đốc đương nhiệm Nhà máy Z173 cho biết, hiện nhà máy đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, khảo sát, phát triển thị trường; thực hiện công tác tiếp thị, quảng bá, tìm kiếm đối tác trong nước và ngoài nước, cam kết thực hiện tốt các chính sách cơ bản nâng cao uy tín, thương hiệu.
Đây là nỗ lực tích cực của Nhà máy Z173 nói riêng và ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam nói chung khi theo số liệu do công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Business Research (trụ sở tại Anh và Mỹ), quy mô thị trường tàu chiến và tàu hải quân đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây.
Business Research nhận định, dự kiến thị trường này sẽ tăng từ 73 tỷ USD vào năm 2024 lên 81,16 tỷ USD vào năm 2025, và đạt 118,79 tỷ USD vào năm 2029 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,0%.
Đời sống pháp luật