Kỳ tích Vinalines: Đầu năm âm vốn gần 10.000 tỷ, cuối năm thành doanh nghiệp “khỏe mạnh”
Một số biện pháp đã được Vinalines thực hiện với "thành quả" là doanh nghiệp này đã không còn phải gánh hàng chục nghìn tỷ lỗ lũy kế từ các công ty con.
- 07-09-2016Lỗ lớn nợ nhiều, các hãng tàu biển Việt Nam sẽ sớm tiếp bước Hanjin nộp hồ sơ phá sản?
- 02-07-2016Vinalines mất đến 15.000 USD/ngày cho các tàu thua lỗ
- 09-06-2016Vinalines thanh lý tàu: Mua 378 tỷ, bán hơn 34 tỷ
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015. Với một loạt động thái tái cơ cấu nhằm chuẩn bị cho cổ phần hóa, tình hình tài chính của Vinalines đã có nhiều chuyển biến khả quan.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế từ mức -2.470 tỷ đồng đã chuyển sang thành dương 66 tỷ đồng. Tuy vậy, Vinalines vẫn lỗ ròng 22 tỷ đồng sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số.
Nhưng “chuyển biến” đáng kể nhất phải kể đến chỉ tiêu Vốn chủ sở hữu: Tại ngày 1/1/2015, do có khoản lỗ lũy kế hơn 19.200 tỷ nên vốn chủ của Vinalines âm hơn 9.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến 31/12/2015, lỗ lũy kế của Vinalines giảm còn hơn 3.300 tỷ, kéo vốn chủ trở lại dương 6.600 tỷ đồng.
Vinalines hiện chưa công bố thuyết minh cụ thể vì sao tình hình tài chính của doanh nghiệp này lại có sự chuyển biến ngoạn mục như vậy. Trong năm, Vinalines cũng không có khoản thu nhập bất thường nào có thể dẫn đến việc giảm lỗ lớn vậy.
Theo trao đổi của chúng tôi với một số chuyên gia tài chính, nhiều khả năng Vinalines đã thực hiện một số “biện pháp kỹ thuật” nhằm không phải gánh khoản lỗ khổng lồ của từ một số công ty con như Vinashinlines, Nosco, Falcon, Đông Đô…
Vinashinlines, Công nghiệp tàu thủy Cà Mau – 2 trong 5 công ty mà Vinalines tiếp nhận từ Vinashin – cùng với CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon) đã được tòa án mở thủ tục phá sản vào tháng 12/2015.
Việc phá sản các doanh nghiệp này dẫn đến việc Vinalines mất quyền kiểm soát nhưng đồng thời cũng không phải hợp nhất vào bảng cân đối những khoản lỗ lũy kế lên đến cả chục nghìn tỷ của các doanh nghiệp này – một trong những “nguyên nhân chính” khiến tình hình tài chính của Vinalines tốt lên.
Tính đến cuối năm 2014, Vinashinlines âm vốn chủ sở hữu gần 8.500 tỷ còn Falcon âm vốn chủ hơn 2.200 tỷ.
Một biện pháp khác là chuyển một số công ty con lỗ lớn thành công ty liên kết. Vinalines đã áp dụng biện pháp này đối với 1 trong những công ty con lỗ lớn nhất vẫn còn hoạt động là CTCP Vận tải Biển Bắc – Nosco.
Trong năm 2015, Vinalines đã bán bớt 2% cổ phần tại Nosco, giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống 49%.
Khi Nosco là công ty con, Vinalines phải “gánh” toàn bộ khoản lỗ lũy kế 3.000 tỷ của công ty này khi lập báo cáo hợp nhất. Nhưng khi Nosco là công ty liên kết, Vinalines chỉ phải “gánh” tối đa 110 tỷ đồng – là số tiền mà Vinalines đầu tư vào công ty này. Việc Nosco có tiếp tục lỗ thêm cũng không ảnh hưởng tới tình hình tài chính của Vinalines.
Hiện tại, theo quyết định của Chính phủ, Vinalines còn không phải trích lập dự phòng tổn thất với các khoản đầu tư tài chính.
Do đó, khi chuyển Nosco từ công ty con thành công ty liên kết, Vinalines cũng đồng thời giảm được 3.000 tỷ đồng lỗ lũy kế.
Mở thủ tục phá sản và giảm bớt số lượng các công ty con không chỉ giúp Vinalines thoát cảnh âm vốn mà còn góp phần làm số nợ phải trả trên báo cáo hợp nhất cũng giảm đi đáng kể. Tổng nợ phải trả từ mức gần 57.600 tỷ ở thời điểm 1/1/2015 đã giảm hơn một nửa xuống còn 25.600 tỷ đồng.
Những động thái tái cấu trúc này chắc chắn sẽ giúp quá trình cổ phần hóa của Vinalines diễn ra thuận lợi hơn. Theo chủ trương đã được phê duyệt, nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 36% vốn của Vinalines sau cổ phần hóa.
Tài chính Plus