MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng nhà máy điện "sạch" 4 tỉ USD

Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng được đầu tư công nghệ hiện đại với tổng mức đầu tư trên 4 tỉ USD được kỳ vọng sẽ mang lại cho tỉnh Bạc Liêu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm khi chính thức vận hành.

Sau gần 3 năm thăm dò, tìm hiểu và chờ đợi, tỉnh Bạc Liêu vừa chính thức trao chủ trương đầu tư nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho nhà đầu tư - Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd. Đây được xem là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất ĐBSCL.

Hình mẫu phát triển điện lực tại Việt Nam

Dự án điện LNG Bạc Liêu được biết đến từ hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu được tổ chức vào đầu năm 2018, với sự tham dự, chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đó cũng là thời điểm Bạc Liêu xin rút khỏi dự án nhà máy nhiệt điện than tại Cái Cùng để tập trung kêu gọi đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và sau khi tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã ký quyết định chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bạc Liêu đã ký giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Delta Offshore Energy.

Để chính thức phát điện từ nhà máy điện LNG, nhà đầu tư sẽ thành lập Công ty TNHH Năng lượng sạch Bạc Liêu để thực hiện dự án theo tiến độ cam kết với mục tiêu sản xuất điện từ khí LNG bao gồm nhập khẩu, lưu trữ LNG và cung cấp nhiên liệu cho Nhà máy Điện LNG Bạc Liêu.

Đây là dự án tích hợp tổng thể gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW trên khu vực rộng 40 ha tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi FSU hoặc trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU rộng khoảng 100 ha mặt biển, có công suất lưu trữ từ 150.000 - 174.000 m3 LNG; trạm tái hóa khí và 35 km đường ống dẫn khí áp suất cao.

Nhà đầu tư cùng các đối tác chiến lược cam kết và quyết tâm thực hiện dự án đúng theo Quy hoạch Điện lực quốc gia VII điều chỉnh mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung ngày 19-12-2019.

Theo đó, nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đến cuối tháng 12-2020) để hoàn thành chuẩn bị đầu tư (giai đoạn phát triển dự án); 36 tháng (cuối năm 2023) để triển khai xây lắp khu tiếp nhận và lưu trữ LNG, trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tua-bin khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW). Tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12-2027 theo quy hoạch nói trên.

Nếu đạt được tiến độ này, đây sẽ là dự án nhiệt điện đầu tiên tại Việt Nam rút ngắn hơn nửa thời gian thực hiện so với các dự án nhiệt điện trước đây và trở thành hình mẫu đầu tư phát triển điện lực tại Việt Nam.

Kỳ vọng nhà máy điện sạch 4 tỉ USD - Ảnh 1.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, trao quyết định đầu tư nhà máy điện LNG cho nhà đầu tư

Thu ngân sách hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm

Nhằm khuyến khích nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các cam kết, quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh Bạc Liêu cũng cho phép nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư và hỗ trợ cao nhất áp dụng cho khu vực kinh tế khó khăn theo các quy định hiện hành.

Giá bán điện của dự án sẽ được xác định theo quy định pháp luật qua thương thảo hợp đồng mua bán điện PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tính toán sơ bộ trong nghiên cứu tiền khả thi là khoảng 7 UScents/KWh (1.600 đồng/KWh). Để có được điều này, cần sự nỗ lực chung của cả nhà đầu tư cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (cơ quan thay mặt nhà nước mua điện của nhà máy) và Bộ Công Thương.

Tập đoàn General Electric cam kết sẽ cung cấp dòng máy tua-bin khí chu kỳ hỗn hợp 9HA-02 - thế hệ công nghệ tiên tiến nhất đã thương mại hóa hiện nay của hãng. Theo nhà đầu tư, khả năng khởi động nhanh với tốc độ hòa lưới lên tới 55 MW/phút của tua-bin 9HA-02 sẽ khắc phục nhược điểm thiếu ổn định của năng lượng tái tạo. Qua đó, Nhà máy Điện LNG Bạc Liêu sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng điện gió, điện mặt trời của tỉnh Bạc Liêu và khu vực, duy trì an toàn lưới điện.

Ngoài ra, dự án sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ. Theo đó, Việt Nam sẽ nhập khẩu thiết bị công nghệ tiên tiến và nguồn nhiên liệu LNG từ Mỹ và từ đó giúp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam. "Chính vì vậy, tháng 9-2019, dự án đã được Bộ Thương mại Mỹ đưa vào Chương trình Vận động thương mại của chính phủ (US Government Trade Advocasy Programme)" - ông Ian Nguyen, Giám đốc điều hành Công ty Delta Offshore Energy, cho biết.

"Dự án Nhà máy Điện LNG Bạc Liêu là dự án trọng điểm, có vai trò tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Dự án sẽ tạo thêm hàng ngàn việc làm, hàng chục tỉ đồng tiền thuế nhà thầu trong thời gian xây dựng; hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp, hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế các loại khi nhà máy đi vào vận hành" - ông Dương Thành Trung phấn khởi.

Theo Duy Nhân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên