MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng thị trường trái phiếu năm 2017 nhiều triển vọng tươi sáng

Bức tranh chung với nhiều gam màu tươi sáng của thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2016 đã phần nào phản ánh được những bước phát triển nhảy vọt của thị trường này.

Đặc biệt là sự tăng trưởng đáng ghi nhận của Trái phiếu Chính phủ (TPCP). Công cụ này đang dần trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước và là thị trường chuẩn cho thị trường tài chính nói chung. Câu chuyện về thanh khoản, quy mô thị trường cùng những giải pháp của cơ quan quản lý trong năm 2016 được kỳ vọng là bệ đỡ cho sự phát triển sôi động của thị trường trái phiếu Việt Nam trong năm 2017.

Những con số biết nói

Trong câu chuyện trao đổi với báo chí nhân dịp cuối năm, bà Nguyễn Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc phụ trách Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) không giấu được niềm vui khi liên tiếp đưa ra những con số chứng minh cho sự thành công của thị trường trái phiếu mà đóng vai trò quan trọng là thị trường TPCP.

Kiểm tra, giám sát đấu thầu trái phiếu điện tử. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Kiểm tra, giám sát đấu thầu trái phiếu điện tử. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tính đến hết thời điểm cuối tháng 12/2016, tổng khối lượng trái phiếu trúng thầu qua HNX đạt 316.273 tỷ đồng, tăng gần 27% so với năm 2015. Về kỳ hạn, các trái phiếu có kỳ hạn dài đã được các tổ chức phát hành phát hành nhiều hơn trong năm, đặc biệt là các trái phiếu có kỳ hạn rất dài, lên tới 20, 30 năm. Tỷ trọng các trái phiếu có kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên được phát hành đã chiếm 22,4% trong tổng giá trị phát hành năm 2016, giá trị này năm 2015 là 15,9%.

Trên thị trường thứ cấp, quy mô niêm yết của thị trường trái phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 12/2016 là 930 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2015. Cơ cấu niêm yết có xu hướng tăng tỷ trọng các kỳ hạn dài, kỳ hạn bình quân toàn thị trường năm 2015 là 3,77 năm tăng lên thành 5,22 năm tại 23/12/2016.

Một điểm sáng đáng chú ý mà bà Lan chia sẻ đó là quy mô giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt 1.549.846 tỷ đồng, tương đương với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt gần 6.431 tỷ đồng, tăng 78% so với năm 2015. Về tổng thể, thanh khoản thị trường năm 2016 duy trì tăng là kết quả tích cực đáng ghi nhận trong bối cảnh bài toán lãi suất đang có chiều đi xuống cũng như mức độ tăng trưởng tín dụng đạt 10,9% so với năm ngoái.

Dưới góc nhìn của những thành viên tham gia thị trường ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ, thực tế thị trường TPCP đã có những thay đổi hết sức mạnh mẽ. Trước đây những đợt phát hành đa số là những lô nhỏ, thanh khoản yếu chuyển sang lô lớn thanh khoản đã tăng nhiều trên cả thị trường thứ cấp và sơ cấp. Có thể nhận thấy kết quả phát hành năm 2016 là một thành công lớn của Chính phủ.

Sự chuyển biến mạnh mẽ của thị trường TPCP cũng được ghi nhận tại đại hội nhiệm kỳ 3 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA). Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký VBMA chia sẻ, quy mô của thị trường đã tăng trưởng khoảng 300% từ năm 2009-2016. So với GDP thì tổng dung lượng của cả TPCP và trái phiếu doanh nghiệp đang chiếm khoảng 25-26% GDP.

Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng cho rằng, dù tốc độ phát triển nhanh nhưng quy mô thị trường phiếu Việt Nam vẫn còn nhỏ nếu so với các nước trong khu vực. Bởi thị trường của các nước trong khu vực đang chiếm khoảng 40-50% GDP của nước họ.

Thực tế cho thấy, với sự phát triển hiện nay, thị trường trái phiếu Việt Nam được nhìn nhận là còn nhiều dư địa và việc khai thác được hết nhưng lợi thế hiện tại trông chờ rất nhiều vào chính sách quản lý và điều hành của cơ quan chức năng.

Tạo sản phẩm mới hút dòng vốn ngoại

Nhìn vào sự dịch chuyển của các dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2016 có thể nhận thấy tiềm năng phát triển của các thị trường khác ngoài kênh đầu tư TPCP, tuy nhiên các nhà đầu tư khối ngoại cũng đánh giá cao thị trường TPCP Việt Nam.

Tuy nhiên để biến sự quan tâm trở thành việc tham gia đầu tư cũng là một khoảng cách mà theo ông Phạm Hồng Hải ,Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định thì cần quảng bá, công bố thông tin nhiều hơn nữa mới có thể thu hút thêm được các dòng tiền từ khối ngoại.

Thực tế, đấy mới chỉ là câu chuyện về thông tin, còn để thị trường thực sự có sức hấp dẫn thì việc đa dạng sản phẩm theo thông lệ quốc tế cũng như làm mới các sản phẩm đang có là điều rất quan trọng.

Chia sẻ về câu chuyện này bà Nguyễn Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc phụ trách HNX cho biết , để thu hút thêm dòng vốn ngoại vào thị trường, chúng ta cần đa dạng hoá các sản phẩm theo thông lệ quốc tế để nhà đầu tư có thêm nhiều sản phẩm giao dịch trên thị trường.

Đặc biệt sắp tới thị trường trái phiếu chính phủ sẽ cho ra đời các sản phẩm mới bao gồm sản phẩm Sell buy back và Vay trái phiếu để bán. Qua việc cho ra đời hai bộ sản phẩm mới nói trên, độ thanh khoản của thị trường kỳ vọng sẽ được tăng cao dẫn đến việc các nhà đầu tư và nhất là nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn thấy một thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ thứ cấp sôi nổi, và thu hút các nhà đầu tư tối ưu hoá lợi nhuận của mình trên thị trường.

Ngoài ra, hai sản phẩm mới này cũng giảm bớt rủi ro mất khả năng thanh toán trên thị trường, cụ thể hơn các nhà đầu tư có thể dùng trái phiếu tương đương có cùng đặc điểm về kỳ hạn hoặc lãi suất để chuyển giao tại ngày thanh toán.

Bên cạnh sự đa dạng hóa các sản phẩm, một lĩnh vực mà lâu nay vẫn chưa tạo được sức hấp dẫn so với tiềm năng của nó đó là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa bứt phá phát triển do có nhiều vướng mắc tồn tại suốt nhiều năm qua. Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi muốn huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.

Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, ở mảng trái phiếu doanh nghiệp chúng ta làm chưa tốt, thanh khoản gần như không có và đa phần là các ngân hàng tư vấn phát hành cho doanh nghiệp chính là ngân hàng mua luôn số trái phiếu đó như vậy là không có thanh khoản trên thị trường. Cần phát triển thị trường có nhiều nhà đầu tư tham gia, bản thân công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần phải có chuẩn mực nhất định trên thị trường để đảm bảo tính minh bạch cho thị trường.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Phú Khôi, Phó Tổng giám đốc VPBank cho rằng, thanh khoản không chỉ đơn giản là giao dịch trên thị trường mà cần phải thông qua các các công cụ phái sinh trong khi hiện tại thị trường mới chỉ dừng ở việc mua và giữ.

Từ thực tế này, cơ quan chức năng đang đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp có nhiều thuận lợi hơn khi muốn phát thành trái phiếu để huy động. Theo bà Lan, cần cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các điều kiện phát hành, ngoại trừ các điều kiện cơ bản cần thiết để đảm bảo tính hợp pháp của đợt phát hành.

Bên cạnh đó, tăng cường minh bạch hóa thông tin trên thị trường trái phiếu. Xây dựng trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp điện tử tập trung, thống nhất, tích hợp với hệ thống thông tin cấp quốc gia về toàn bộ thị trường trái phiếu Việt Nam.

Cùng với đó là việc tuân thủ các thông lệ, chuẩn mực quốc tế trong tổ chức giao dịch, thanh toán, rút ngắn khoảng cách với các thị trường khu vực , hướng tới kết nối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp ASEAN +3. Trước hết, tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên nền cơ sở hạ tầng ưu việt của thị trường TPCP

Bà Lan chia sẻ, thời điểm hiện tại theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Uỷ Ban chứng khoán Nhà nước và HNX đang trong bước hoàn thiện đề án trái phiếu doanh nghiệp. Đề án đã thực hiện đánh giá thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm quốc tế tiêu biểu trong việc xây dựng thị trường trái phiếu, cụ thể là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp đối với thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên bà Lan cũng cho rằng, điều kiện phát triển thị trường chỉ với nỗ lực từ phía nhà quản lý là không đủ. Bởi thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một thị trường tiềm năng, cũng là thị trường đòi hỏi nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhận biết tốt rủi ro. Các doanh nghiệp mong muốn phát hành trái phiếu cũng cần chuẩn bị minh bạch hóa thông tin tạo điều kiện cho các quyết định đầu tư cũng như tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Theo Đức Duy

TTXVN

Trở lên trên