MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng từ đầu tư công

Vốn đầu tư công tiếp tục đóng vai trò là nguồn "vốn mồi" kích thích đầu tư toàn xã hội, tạo động lực quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 tạo đà quan trọng cho các địa phương, bộ, ngành tiếp tục giải ngân đạt tỉ lệ cao trong năm 2024 - năm tăng tốc để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Đẩy mạnh phân bổ vốn

Căn cứ dự toán năm 2024 được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1603/2023 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 với tổng số tiền 677.349 tỉ đồng, tương đương 95% kế hoạch năm 2023.

Mặc dù tổng vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2024 giảm nhẹ so với năm 2023 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tình hình quốc tế dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, để đạt mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn đầu tư công được giao, cần nhiều giải pháp quyết liệt từ tất cả các cấp, ngành, địa phương và chủ đầu tư.

Ngay từ đầu năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã rốt ráo phân bổ chi tiết vốn đầu tư công. Đơn cử, tỉnh Thái Nguyên đến nay đã phân bổ 100% kế hoạch vốn Thủ tướng giao năm 2024 là 5.612 tỉ đồng, đồng thời giao tăng thêm 2.982 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương cân đối. Đây là cơ sở và điều kiện quan trọng để thúc đẩy triển khai các dự án, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cũng tăng tốc giải ngân ngay từ đầu năm, TP Hà Nội đặt kế hoạch đầu tư công năm 2024 cao hơn 1,4 lần so với năm 2023. Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết năm nay, thành phố được giao 81.033 tỉ đồng vốn đầu tư công, trong đó có 9.451 tỉ đồng ngân sách trung ương và 71.582 tỉ đồng ngân sách địa phương. TP Hà Nội đã phân bổ và giao kế hoạch vốn từ sớm để bảo đảm tiến độ giải ngân.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cũng cho biết đã yêu cầu các sở, ngành quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch được giao năm 2024. Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn liên quan cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất phục vụ các dự án...

Sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương thể hiện qua con số giải ngân vốn đầu tư công ngay trong tháng đầu năm 2024. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 1-2024, cả nước giải ngân hơn 16.934 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 2,58% kế hoạch Thủ tướng giao và cao hơn cùng kỳ năm trước.

Riêng với các dự án trọng điểm, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các địa phương phân bổ chi tiết là trên 127.593 tỉ đồng. Nhiều công trình giao thông quan trọng đã được thi công xuyên Tết Nguyên đán Giáp Thìn với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "thi công ba ca - bốn kíp" để đạt và vượt tiến độ.

Công nhân, kỹ sư thi công xuyên Tết Nguyên đán tại dự án Cảng Hàng không quốc tế Long ThànhẢnh: NGUYỄN TUẤN

Công nhân, kỹ sư thi công xuyên Tết Nguyên đán tại dự án Cảng Hàng không quốc tế Long ThànhẢnh: NGUYỄN TUẤN

Gắn với kết quả đánh giá cán bộ

Trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, vốn đầu tư công tiếp tục đóng vai trò là nguồn "vốn mồi" kích thích đầu tư toàn xã hội, tạo động lực quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% - 6,5% trong năm nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để nhất quán trong điều hành. Bộ trưởng chỉ rõ thực tế cho thấy cùng một thể chế, chính sách, có những bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý năm 2024, cần làm tốt việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện, lựa chọn dự án đáp ứng điều kiện bố trí vốn để nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi. "Các đơn vị trực tiếp triển khai kế hoạch đầu tư công phải chủ động rà soát, thông tin kịp thời, chính xác về khó khăn, vướng mắc để các cơ quan quản lý có chính sách, giải pháp nhanh, mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn" - lãnh đạo Bộ KH-ĐT đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho biết năm 2024, toàn ngành tập trung đẩy nhanh giải ngân, phấn đấu đạt tối thiểu 97% - 98% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, đẩy nhanh thi công các công trình, dự án đang triển khai, nhất là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025.

Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị thuộc bộ, các ban quản lý dự án phối hợp với địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai các tuyến đường cao tốc được phân cấp, bảo đảm đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc trên cả nước.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo, giám sát, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Công khai kết quả thực hiện của các đơn vị, gắn kết quả giải ngân của từng đơn vị với đánh giá kết quả của cán bộ; kiểm điểm, phê bình trường hợp không hoàn thành kế hoạch.

Về phía địa phương, tỉnh Bắc Giang có chế tài xử lý nghiêm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch UBND tỉnh này khẳng định sẽ kịp thời thay thế cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý, thực hiện đầu tư công. 

Đường cao tốc tạo không gian phát triển mới

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua đã cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung nguồn lực vào các công trình lớn, dự án giao thông trọng tâm, trọng điểm, nhất là dự án đường cao tốc.

Năm 2023, cả nước đưa vào sử dụng 475 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là khoảng 1.900 km. Hệ thống đường cao tốc đã tạo ra các không gian, hành lang phát triển mới, giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy du lịch, thu hút nhà đầu tư. Nhìn xa hơn, khi hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam và các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành sẽ tạo ra một mạng lưới giao thông, đường cao tốc khép kín, từ đó nâng cao tính liên kết vùng của cả nước.

Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phân tích: Đầu tư công tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nhất là trong giải phóng mặt bằng; chủ động rà soát để điều chuyển vốn sớm ngay từ đầu năm; đẩy nhanh thủ tục đầu tư dự án.

Quan tâm đến điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, gợi ý cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thực hiện trước, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Chuyện này rất cần thiết và hiệu quả đối với việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường Quỹ Đầu tư VinaCapital:

Khoảng 30 tỉ USD vốn chưa giải ngân được

Một trong những giải pháp tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 là tập trung kích thích tài khóa - bao gồm gia tăng đầu tư công. Đầu năm 2023, Chính phủ đã định hướng tăng đầu tư công 50%, lên 30 tỉ USD - tương đương 7% GDP. Nhiều khả năng đây là bước đi để hỗ trợ cho nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng suy giảm trên toàn cầu.

Mức chi cho đầu tư công năm ngoái đã tăng lên khoảng 25 tỉ USD, tương đương 6% GDP. Chính phủ dự kiến chi đầu tư công ở mức tương tự trong năm nay. Sự thận trọng của Chính phủ trong quá khứ cho phép Việt Nam tăng mạnh đầu tư công nếu cần thiết bởi các số liệu cho thấy còn khoảng 30 tỉ USD vốn chưa giải ngân, tập trung ở các dự án cơ sở hạ tầng. Tỉ lệ nợ/GDP của Việt Nam hiện ở dưới 40%, là mức rất thấp nếu so với phần lớn các quốc gia đang và đã phát triển.

Bên cạnh động lực đầu tư công, nền kinh tế còn nhiều triển vọng tăng trưởng ở các lĩnh vực khác trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy ngay từ đầu năm, xuất khẩu phục hồi và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng tốc.

PGS-TS PHAN THẾ CÔNG, Trưởng Khoa Kinh tế - Trường ĐH Thương mại:

Cần xóa bỏ đầu tư dàn trải

Nền kinh tế Việt Nam đang bị thử thách bởi cả các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, một giải pháp mà Chính phủ có thể thực hiện là hỗ trợ tổng cầu thông qua triển khai đầu tư công hiệu quả, từ đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế. Đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng, thực hiện vai trò thúc đẩy, gánh vác và bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác. Chính phủ và các địa phương cần đổi mới công tác lập, phân bổ kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án trở thành công trình hiệu quả.

Chính phủ cần xây dựng chiến lược đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.

Cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kho cảng, hạ tầng các khu công nghiệp, đồng thời đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực năng lượng - nhất là năng lượng tái tạo và hệ thống truyền tải, phân phối điện.

T.Phương - M.Chiến ghi

Theo Minh Phong

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên