MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng từ việc tăng vốn của nhà đầu tư ngoại

Kỳ vọng từ việc tăng vốn của nhà đầu tư ngoại

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam được kỳ vọng gia tăng khi nhiều nhà đầu tư ngoại rót thêm vốn, mở rộng sản xuất và kinh doanh ...

Sau loạt dự án có quy mô "khủng" trị giá lên tới "tỷ đô" được trao giấy chứng nhận đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2021, thu hút FDI tiếp tục có tín hiệu khởi sắc khi nhiều nhà đầu tư thông báo kế hoạch mở rộng và tăng vốn tại Việt Nam.

ĐƯA VIỆT NAM THÀNH TRUNG TÂM SẢN XUẤT LỚN TOÀN CẦU 

Ông Gianluca Fiume, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Piaggio Việt Nam cho biết, một khoản đầu tư trị giá hàng triệu USD sẽ được Piaggio rót vào Việt Nam trong vài tháng tới. Khoản tiền này được Piaggio dùng để mở rộng kho lưu trữ xe, động cơ cũng như đầu tư vào hệ thống kiểm tra khí thải động cơ xe tự động theo công nghệ tiên tiến.

Kỳ vọng từ việc tăng vốn của nhà đầu tư ngoại - Ảnh 1.

"Chúng tôi có tham vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất động cơ xe máy lớn nhất của Piaggio trên toàn cầu" - Ông Gianluca Fiume, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Piaggio Việt Nam.

Kế hoạch này được nhà đầu tư đến từ "đất nước hình chiếc ủng" đưa ra khi sản lượng xe sản xuất và xuất khẩu của Piaggio tại Việt Nam đạt trên 147.000 chiếc trong năm 2020, phá kỷ lục 120.000 chiếc của năm 2019. Thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng không chỉ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn ra một số nước châu Âu. Theo đó, lợi nhuận của công ty tại Việt Nam tăng trên 10% so với năm trước.

Không chỉ Piaggio, nhà đầu tư Vina CPK đến từ Singapore cũng đang tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng nhằm triển khai giai đoạn 2 của dự án Khu công nghiệp Bá Thiện II (Vĩnh Phúc).

Ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty TNHH Vina CPK chia sẻ sau giai đoạn đình trệ do Covid-19, Vina CPK đang đẩy nhanh tiến độ để kịp thời có mặt bằng giao cho nhiều đối tác FDI tiềm năng. "Theo đó, diện tích đất công nghiệp hơn 100 ha đang được chúng tôi gấp rút thực hiện", ông Quang nói.

Nhưng quan trọng hơn cả việc Vina CPK mở rộng khu công nghiệp, theo ông Quang, việc đầu tư này sẽ kéo theo sự gia tăng của dòng vốn FDI vào Việt Nam. "Vừa qua, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài làm công nghiệp hỗ trợ cho các hãng điện tử lớn đã tiếp xúc với chúng tôi để tìm hiểu về các điều kiện đầu tư. Điều này cho thấy nhu cầu đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư ngoại vẫn khá lớn", ông Quang chia sẻ.

TẠO YẾU TỐ "MỀM" HẤP DẪN NHÀ ĐẦU TƯ 

Đáng chú ý, không chỉ Piaggio, hay Vina CPK, rất nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam gần đây cũng đẩy mạnh mở rộng đầu tư.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20/12/2020, tổng vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Mặc dù nguồn vốn FDI đăng ký giảm song điểm nhấn trong năm 2020 là vốn đầu tư điều chỉnh của các doanh nghiệp FDI vẫn đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2021, vốn đăng ký tăng thêm đạt 1,61 tỷ USD, tăng vọt hơn 2,5 lần so với cùng kỳ.

Kỳ vọng từ việc tăng vốn của nhà đầu tư ngoại - Ảnh 2.

"Hiện tượng" mở rộng đầu tư trong thời gian gần đây, theo chia sẻ của nhiều chuyên gia kinh tế là điều dễ dự báo khi nhìn vào loạt báo cáo về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam được công bố gần đây.

Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố đầu tháng 2/2021 cho thấy có gần 47% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng chức năng bán hàng và sản xuất hàng hóa thông dụng ở mức cao so với các quốc gia, khu vực khác (khoảng 50%). Ngoài ra, có 16,4% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng cường đầu tư thiết bị, đầu tư mới trong thời gian tới.

Tương tự, Báo cáo khảo sát tâm lý kinh doanh lần thứ 6 của Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN công bố vào tháng 10/2020 cho thấy, mặc dù có sự sụt giảm về cảm nhận tích cực đối với môi trường kinh doanh tại ASEAN, song 72% doanh nghiệp EU khảo sát đang ở Việt Nam cho biết vẫn có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh. Trong đó, sự hài lòng về cách thức ứng phó với Covid-19 của Chính phủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cộng đồng doanh nghiệp EU tự tin về kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Còn theo ông Gianluca, niềm tin về môi trường đầu tư, triển vọng thị trường... là những yếu tố hàng đầu thúc đẩy Piaggio tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. "Chúng tôi đã tạo dựng được mối quan hệ gắn kết bền chặt với những người lao động cần mẫn, với những cộng sự đầy tin tưởng, với những đối tác tin tưởng và với chính quyền hành động tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đây chính là những yếu tố "mềm" hấp dẫn nhà đầu tư", ông Gianluca nhấn mạnh.

PHẢI DUY TRÌ ĐƯỢC SỨC HẤP DẪN 

Lý giải về làn sóng mở rộng của nhà đầu tư ngoại, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sự ổn định của môi trường đầu tư cũng như cách phòng chống dịch bệnh Covid-19 một cách sáng tạo và hiệu quả chính là nguyên nhân khiến nhà đầu tư ngoại tin tưởng vào việc gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam.

"Trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn lao đao vì dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách xã hội, Việt Nam đã từng bước nỗ lực để khắc phục những khó khăn do sự ngắt quãng trong nguồn cung, sáng tạo trong cách ly tránh thiếu hụt lực lượng chuyên gia để doanh nghiệp ổn định vận hành máy móc và nhà xưởng", ông Dương nói.

Kỳ vọng từ việc tăng vốn của nhà đầu tư ngoại - Ảnh 3.

"Cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... tiếp tục là 'lực hấp dẫn' kéo nhà đầu tư nước ngoài tăng vốn vào Việt Nam" - Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Ở góc nhìn khác, đại diện Vina CPK cho rằng, sau thời gian hoạt động ở Việt Nam, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp FDI cho kết quả khả quan. Vì vậy, họ tìm cách mở rộng hoạt động tại đây, "ăn sâu, bén rễ" tại Việt Nam, coi Việt Nam như ngôi nhà thứ hai.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay, theo ông Dương là phải duy trì được sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, biện pháp quan trọng hàng đầu đó là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục kiểm soát dịch bệnh một cách có hiệu quả.

"Đây là biện pháp hàng đầu để nhà đầu tư nước ngoài quyết định đổ thêm vốn vào Việt Nam cũng như là lợi thế để Việt Nam hút thêm nguồn vốn FDI mới từ bên ngoài trong sự dịch chuyển dòng đầu tư của thế giới", ông Dương nói.

Ngoài ra, cần tiếp tục xem xét, rà soát các văn bản pháp luật, chính sách đầu tư, kinh doanh để bổ sung, sửa đổi những nội dung không rõ ràng, nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán... nhằm tránh hiện tượng "mỗi địa phương áp dụng một kiểu, gây khó hiểu cho nhà đầu tư nước ngoài".

Đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh việc thi hành pháp luật liên quan đến thu hút vốn FDI để có những đề xuất tháo gỡ hợp lý, nhằm tránh mất cơ hội thu hút FDI đặc biệt là dòng vốn FDI chất lượng cao. Theo đó, cần tiếp tục rà soát và phân loại thủ tục hành chính, phải loại bỏ thủ tục hành chính không phù hợp, không cần thiết, chồng chéo, mâu thuẫn. Để việc rà soát thủ tục hành chính có hiệu quả có thể tính tới việc có cơ quan độc lập thực hiện rà soát văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành.

Theo Anh Nhi

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên